Nở rộ dịch vụ cấp bằng lái ôtô
Đón đầu xu hướng có thể nhiều người sử dụng ôtô sau 1/5 do được nhập khẩu xe cũ, vài tuần nay, tại TPHCM rộ lên các điểm đào tạo lái xe hoặc dịch vụ cấp bằng lái ôtô. Nhiều tin đồn về việc tăng phí đào tạo hay sẽ có "cơn sốt" bằng lái cũng được tung ra để chiêu mộ học viên.
Trung tâm đào tạo lái xe: nở như nấm sau mưa
Dọc các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt (quận 11) hoặc các con phố xung quanh sân vận động Thống Nhất (quận 10) rất dễ bắt gặp những tấm bảng đề: nơi nhận dạy, cấp bằng lái xe từ 4 đến 16 chỗ. Có nơi thì đề rõ hạng bằng lái. Chỉ một đoạn trên đường Nguyễn Chí Thanh dài chưa tới 200 m có đến 4 nơi nhận dạy lái xe như vậy. Người trực ở một điểm trên cho biết, văn phòng này mới ra lò sau khi có tin cho nhập xe cũ. "Nếu đăng ký học ngay từ bây giờ thì đến tháng 5 vừa vặn có bằng", anh ta nói.
Mỗi văn phòng như trên chỉ cần “nắm” hai, ba cơ sở hoặc trường đào tạo lái xe là hoạt động. Khi có người cần thi lấy bằng lái, các văn phòng này tự đứng ra nhận hồ sơ, thu tiền học (do họ tự đặt ra và kê cao hơn mức học phí theo quy định) sau đó liên hệ với các trường, cơ sở đào tạo để điền tên, xếp thí sinh vào các lớp học. Nếu trường này đã đủ học viên cho một khóa thì văn phòng sẽ tìm đến trường khác “gửi” thí sinh vào.
“Nhiều trường, cơ sở vì muốn có đủ thí sinh tham dự các lớp, khóa dạy lái xe nên đã khoán trắng việc “chiêu mộ” thí sinh cho một số văn phòng”, Phó hiệu trưởng một trường dạy lái xe lớn của thành phố thừa nhận thực trạng trên.
Theo điều tra của chúng tôi, nhiều trường thông qua các “văn phòng vệ tinh” đã tuyển số lượng học viên trên mức quy định. Khi bước vào học, nhất là học lái trên xe, do thí sinh đông nên thời gian từng người được ngồi tập lái rất ít. Thí sinh theo học tại những lớp đông người, ít xe như vậy thường có tỷ lệ rớt thực hành rất cao.
Mặt khác, các văn phòng kiểu như trên cũng không không hoàn toàn là đầu mối tiếp nhận thí sinh của các cơ sở, trường dạy lái xe có giấy phép. Nhiều nơi tự nhận là "trung tâm đào tạo lái xe", nhưng lại chẳng có lấy một phòng học lý thuyết và xe để tập lái.
Bát nháo học phí, lộn xộn tin đồn
Người của một phòng đăng ký dạy lái xe nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, gần kề Trung tâm dạy nghề quận 5, cho biết, lấy bằng B1 để lái xe dưới 9 chỗ ngồi phải qua ba tháng học với học phí từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Khi được hỏi vì sao học phí không cố định mà lại dao động như vậy, nhân viên này trả lời: “Dự phòng anh thi lần một không đậu thì còn đóng lệ phí thi lại lần hai. Nếu anh thi lần một đậu ngay, tôi chỉ lấy anh 2,5 triệu đồng, trả lại anh 500 nghìn đồng. Vậy được chưa, ghi tên, đóng tiền nghe!”.
Tại một phòng đăng ký dạy lái xe trên đường Cộng Hòa, học phí được ấn định là 2,5 triệu đồng. Thi lần một không đậu, “thí sinh” phải đóng thêm lệ phí thi lần hai là 350.000 đồng. “Tôi bảo đảm với anh, thi lần một đậu liền. Văn phòng này uy tín đầy mình từ nhiều năm rồi chứ đâu phải mới ra lò như mấy điểm kia”, anh chàng phụ trách phòng đăng ký khoe.
Nhiều điểm nhận dạy lái xe gần đây còn tung ra tin sắp tăng mức thu học phí để “khuyến cáo” người có nhu cầu đi học càng sớm càng có lợi. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng trường dạy lái xe Tiến Bộ, mức học phí đào tạo bằng B từ 1,8 đến trên 2,1 triệu đồng đã tồn tại từ nhiều năm qua. Do mức học phí quá thấp và không theo kịp giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua nên các trường dạy lái xe và Sở Giao thông Công chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có đề nghị được tăng mức học phí. Tuy nhiên, mức mới như thế nào và bao giờ được Bộ Tài chính chấp thuận thì còn phải chờ.
Theo ông Dương Tự Lực, Trưởng Phòng quản lý - sát hạch - cấp giấy phép lái xe, Sở GTCC, không thể có cơn sốt bằng lái sau khi Chính phủ cho phép nhập xe ôtô các loại đã qua sử dụng. Hiện nay 26 cơ sở dạy lái xe trên địa bàn thành phố vẫn chưa hoạt động hết công suất, lưu lượng cho phép.
Theo ông Lực, Phòng và Sở sẽ có những cuộc kiểm tra bất thường các trường để phát hiện và xử lý kịp thời việc thu nhận thí sinh quá lưu lượng cho phép. Các trường hợp trường, cơ sở dạy lái xe câu móc với các “văn phòng vệ tinh” để tạo ra cơn sốt ảo về bằng lái cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Trong trường hợp số lượng người học lái tăng, các trường phải đầu tư tăng thêm phòng học, xe tập lái, giáo viên sau đó báo cáo lên Sở hoặc Cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan này xuống kiểm tra thực tế và cấp phép tăng lưu lượng đào tạo. Các trường, cơ sở tự tăng lưu lượng đào tạo vượt quá định mức sẽ bị đình chỉ hoặc rút giấy phép.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, nếu nhu cầu và số lượng người học tăng đột biến mà các trường chưa kịp đầu tư để tăng lưu lượng đào tạo, “thì người học đành phải xếp hàng đăng ký, chờ tới lượt thôi”.
Theo Lưu Đức
Vnexpress