Huế:
Nô nức trẩy hội Huyền Trân công chúa
(Dân trí) - Sáng nay (31/1, tức mùng 9 Tết), tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, TP Huế) đã khai hội Huyền Trân công chúa - người có công mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam.
Hàng nghìn người dân, khách thập phương đã về dự lễ, thắp hương, chiêm bái, dù thời tiết rất lạnh và có mưa nặng hạt.
Nhiều tiết mục văn nghệ tại lễ hội diễn tả Huyền Trân đi mở cõi, vào quy y cửa phật với những điệu múa cung đình, phật giáo thể hiện tâm trạng của người công chúa dũng cảm đã hy sinh thân mình vì trọng trách lớn lao.
Tại lễ hội, còn có một số hoạt động dân gian như cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ thư pháp, vẽ chân dung, thi cắm hoa...
Những nơi được du khách tham quan nhiều là điện thờ tượng vàng công chúa Huyền Trân, tượng công chúa khi đã xuất giá đến tu tại chùa, tượng thờ phật Di Lặc, đền thờ phật hoàng Trần Nhân Tông - cha công chúa Huyền Trân và tháp chuông Hòa Bình...
Lễ hội Huyền Trân công chúa sẽ diễn ra cho đến hết ngày 15 tháng Giêng.
Tái hiện hoạt cảnh vua Trần Nhân Tông gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chawmpa - Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý cho Đại Việt năm 1036.
Làm lễ trước đền công chúa Huyền Trân để tri ân công ơn mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng” mang tính chất cung đình và nhà Phật - diễn tả lúc Huyền Trân xuất giá đi tu. Tiết mục do các nghệ nhân Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế thể hiện.
Tượng công chúa Huyền Trân
Viết thư pháp đầu năm tại lễ hội Huyền Trân.
Người dân đội mưa vui vẻ trẩy hội Huyền Trân.
Ngọc Thụ - Đại Dương