1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Nổ mìn phá đá, “phá” luôn nhà dân?

(Dân trí) - Chiều 6/5, sau một tiếng nổ lớn, nhiều ngôi nhà cùng các vật dụng rung chuyển, trần và tường rạn nứt, cửa kính vỡ, người dân dù đã quen với tiếng nổ vẫn bàng hoàng, cảm giác như người bị bật nẩy lên khỏi mặt đất...

Năm 2007, mọi hoạt động khai thác đá tại rú Mượu (Hưng Nguyên, Nghệ An) bắt đầu ngừng để công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn lấy mặt bằng xây dựng nhà máy bia. Tháng 4/2009, UBND tỉnh Nghệ An cho phép Công ty TNHH Hiệp Hòa nổ mìn phá đá hạ độ cao tại rú Mượu. Kể từ đó, nhân dân quanh đây bắt đầu khốn khổ, hoang mang.
 
Biết Công ty TNHH Hiệp Hòa chuẩn bị dùng mìn cho nổ các mỏm núi đá phía Nam rú Mượu, hàng trăm hộ dân khối 1, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên đã cảnh báo trước với chính quyền sở tại, cho rằng các công trình xây dựng của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng do nổ mìn.
 
Nổ mìn phá đá, “phá” luôn nhà dân? - 1
Ông Nguyễn Trường Sinh chỉ tay vào bức tường rào nứt ngang sau vụ nổ mìn ngày 6/5/2009

Ngày 26/4, tổ công tác hạ độ cao do ông Hồ Thúc Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên - làm tổ trưởng và đại diện công ty TNHH Hiệp Hòa đã có buổi làm việc với các hộ dân này, cùng bàn bạc và đi đến thống nhất phương án nổ mìn an toàn, ít gây chấn động nhất, đó là sử dụng phương pháp “nổ om” (với phương pháp này các chấn động chỉ xảy ra trong phạm vi bán kính 50m). Cũng tại buổi làm việc ông Hồ Thúc Nam đã đứng ra cam kết trước dân: “Trong lúc nổ mìn phá đá sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân. Nếu sau khi nổ mìn lỡ xảy ra mất an toàn cho người và hư hỏng về tài sản thì tổ công tác và huyện sẽ đứng ra chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho nhân dân trong khu vực và vùng lân cận…”.

Lần nổ mìn thứ nhất và thứ hai không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng lần nổ mìn phá đá vào hồi 18h30 ngày 6/5 vừa qua, hàng trăm hộ dân tại đây mặc dù đã được thông báo từ trước nhưng đều bất ngờ vì tiếng nổ quá lớn. “Chấn động mạnh lắm, các vật dụng trong nhà đều rung lên, ngồi trong nhà mà nẩy cả người lên, tôi sống ở đây mấy mươi năm, đã quá quen với tiếng nổ mìn nhưng chưa bao giờ nghe tiếng nổ mạnh và gây chấn động lớn như lần này”, một người dân tên Đặng Khắc Phúc cho biết.

Sau vụ nổ kinh hoàng đó, nhiều ngôi nhà đã bị rạn nứt bờ tường, góc nhà… Căn nhà 2 tầng của gia đình ông Phúc bị rạn nứt nhiều chỗ. Tầng 1 bị nứt ngang trần gian giữa với vết nứt dài 3 mét, rộng 0,2 ly, vỡ cửa kính. Tầng 2 bị nứt rạn vòng quanh trần, nứt dầm đỡ, hai góc tường bị nứt 1 đường dài 4 mét và nhiều vết nứt khác rải rác khắp nhà.

Cạnh nhà ông Phúc là nhà bà Nguyễn Thị Hồng và hàng chục ngôi nhà khác cũng chịu chung số phận. Bà Trần Thị An (65 tuổi) chỉ vết nứt trên trần ngôi nhà mái bằng của mình nói: “Từ khi họ (công ty TNHH Hiệp Hòa-PV) nổ mìn phá đá, nhà tui bị nứt kinh hoàng quá. Từ hôm đó đến giờ tui không dám ngủ, vì cứ nhắm mắt lại là sợ trần nhà có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào… Như thế này thì chết mất cô chú à”.

Một số công trình khác của dân như nhà vệ sinh, bể nước, tường rào cũng chịu tình trạng tương tự. 

Cả gia đình ông Nguyễn Trường Sinh (65 tuổi) nhìn đi nhìn lại mỗi bể nước mưa 8,5 m3 là giá trị nhất, nhưng sau vụ nổ mìn ngày 6/5 cũng đã bị nứt, toàn bộ nước mưa dự trữ lâu nay đã theo vết nứt ngấm xuống đất.

Nổ mìn phá đá, “phá” luôn nhà dân? - 2
Các vết nứt trên tường nhà ông Đặng Khắc Phúc

Trước tình hình đó, hàng trăm hộ dân khối 1 đã viết đơn kiến nghị gửi lên các cấp. Ông Nguyễn Anh Tú, khối trưởng khối 1 cho biết: “Tính đến thời điểm này tôi đã chuyển 89 đơn kiến nghị của bà con lên các cấp chính quyền, ngoài ra còn có khoảng 30 hộ gửi đơn trực tiếp nữa. Thế nhưng gần hai tháng trôi qua vẫn chưa thấy có động tĩnh gì”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thúc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, cho biết: “Huyện đã nhận được đơn kiến nghị của bà con và cử người xuống tận nơi nắm bắt tình hình. Sau đó huyện đã chuyển đơn thư của bà con lên tỉnh chờ ý kiến chỉ đạo. Việc xác định các vết nứt là có từ trước hay mới xuất hiện sau khi nổ mìn, thẩm định thiệt hại do nổ mìn gây ra (nếu có) chúng tôi không đủ khả năng để làm, việc đó phải nhờ đến các tổ chức có chuyên môn. Hiện nay chúng tôi đang liên hệ với Cục An toàn Bộ Công thương để nhờ họ về thẩm định, kiểm tra và đánh giá thiệt hại. Sau khi đánh giá được mức độ thiệt hại mới có phương án đền bù được”.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng về thẩm định thì hàng trăm hộ dân vẫn sống trong nỗi lo lắng về độ an toàn của các công trình. Được biết trong số hơn một trăm hộ dân bị ảnh hưởng do nổ mìn phá đá chỉ có 45 hộ thuộc diện di dời đến nơi ở mới. Khi khu tái định cư chưa được xây dựng thì họ vẫn phải ở lại sống chung với nguy hiểm.

Nguyễn Phê - Hoàng Lam