1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam

(Dân trí) - Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã tới Việt Nam để tái kiểm tra việc thực hiện những nhóm khuyến nghị liên quan đến hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT về những nỗ lực và giải pháp để tháo gỡ "thẻ vàng" mà EC đưa ra đối với thủy sản Việt Nam.

- Thưa ông, những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC đến thời điểm hiện nay như thế nào?

- Đối với 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban EC, thứ nhất về khung pháp lý thì hiện nay chúng ta đã hoàn thiện khung pháp lý gồm: Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật thì cơ bản trong quá trình xây dựng cũng đã lấy ý kiến của Ủy ban EC và hiện nay về cơ bản Luật cũng như các văn bản dưới luật đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban EC. Cái này chúng ta hoàn toàn yên tâm.

Nhóm thứ hai là công tác kiểm soát tàu cá, hiện nay các địa phương cũng như các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát nghề cá cũng như kiểm soát tàu cá ra vào cảng; kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, việc này các tỉnh cũng có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Nhiều tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp đã ngăn chặn và giảm thiểu được số lượng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Nhóm thứ 3 là công tác tổ chức thực thi pháp luật, sau khi Luật Thủy sản và các văn bản dưới Luật có hiệu lực thì các địa phương tăng cường truyền thông, tập huấn cho ngư dân hiểu biết các quy định của pháp luật và chống khai thác IUU, hiện nay các tỉnh cũng có những hình thức tuyên truyền phổ biến khá tốt và hiện nay cũng đang tiếp tục triển khai và thực thi pháp luật trên biển.

Nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Nhóm thứ 4 là triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản thì hiện nay công tác ghi sổ nhật ký của bà con ngư dân cũng đã có chuyển biến tốt và có tỷ lệ tăng cao.

Về kiểm soát sản lượng lên bến và phục vụ công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng thì hiện nay các tỉnh cũng đã tích cực chủ động vào cuộc để rà soát các hồ sơ cũng như đảm bảo tính chính xác của nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển.

Về công tác chứng nhận của các Chi cục Thủy sản ở địa phương cũng đã có những chuyển biến và kết quả tốt, và những hồ sơ phục vụ công tác chứng nhận xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang các thị trường, đặc biệt là thị trường Châu Âu thì cũng giảm thiểu được những sai sót cũng như từng bước đáp ứng yêu cầu của Ủy ban EC.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngày 5/11, đoàn EC làm việc với TPHCM và các tỉnh ĐBSCL. Đến ngày 9/11, đoàn bắt đầu ra Hà Nội và làm việc với tổng cục Thủy sản từ ngày  11-13/11. Ngày 14/11, đoàn sẽ báo cáo kết quả với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đến ngày 14/11 sẽ quay về châu Âu.

- Ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, theo ông cần có sự phối hợp đồng bộ như thế nào giữa các Bộ, ngành liên quan và lực lượng chức năng cũng như các địa phương?

- Phải nói nhiệm vụ ngăn chặn đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài là nhiệm vụ rất quan trọng. Đây là một trong những tiêu chí mà EC rất quan tâm và cũng là nội dung rất khó, vừa rồi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU cũng đã chỉ đạo và giao trực tiếp cho Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương để ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Nhiệm vụ chính là Bộ Quốc phòng chủ trì, tuy nhiên các tỉnh chỉ đạo các lực lượng liên quan phối hợp với Bộ Quốc phòng để có những kế hoạch, giải pháp cụ thể hơn nữa, đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục ngư dân, nhất là những ngư dân đã vi phạm và có hành vi, dấu hiệu tái phạm. Cái này cũng là nội dung rất quan trọng. Ngoài đơn vị chủ trì là Bộ Quốc phòng, đề nghị các tỉnh, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này.

Nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam - 2

- Thực hiện các khuyến nghị của EC cũng đồng nghĩa với việc hướng đến xây dựng nghề cá nhân dân, về trước mắt và lâu dài chúng ta cần có các chiến lược, kế hoạch như thế nào, thưa ông?

- Như tôi đã nói ngoài thực hiện các nhóm khuyến nghị của Ủy ban EC chúng ta còn hướng tới nghề cá phát triển bền vững. Trước mắt đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai Luật Thủy sản cũng như các văn bản dưới luật. Sau đó, chúng ta triển khai một cách đồng bộ cho các địa phương cũng như tuyên truyền cho ngư dân hiểu được việc chống khai thác bất hợp pháp cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến các vấn đề khai thác hải sản trên biển.

Hiện nay Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng quy hoạch ngành về quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi đến giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2050, đây cũng là nội dung quan trọng về lâu dài. Tiếp nữa Bộ NN&PTNT cũng hướng tới phát triển nuôi biển để chuyển dịch dần cơ cấu khai thác hải sản sang nuôi biển và giảm áp lực khai thác trên vùng biển Việt Nam. Đây là những chủ trương đúng đắn để chúng ta vừa phát triển ngành kinh tế thủy sản cũng như giảm áp lực khai thác và tiến tới chống khai thác IUU cũng như phát triển ngành khai thác hải sản một cách bền vững trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

IUU là tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated fishing). Quy định về IUU được EU ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này. Năm 2002, Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch hành động IUU, trên cơ sở triển khai một Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá IUU.

Nguyễn Dương (thực hiện)