1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nợ đầm đìa vây bước mưu sinh

(Dân trí) - Ở quê nhà làm lụng vất vả không đủ sống, họ bán ruộng vườn đi làm công nhân, tạm hài lòng với cuộc sống có đồng ra đồng vào đủ ăn tiêu. Nay thất nghiệp, cảnh nợ nần lại ùa về vây lấy bước mưu sinh…

Nợ đầm đìa vây bước mưu sinh  - 1

Ông No và Quyển trầm tư lo lắng cho những ngày sắp Tết
 
8 miệng ăn kia trông chờ ai đó

Chặt lưỡi thở dài, ông Nguyễn Văn No (56 tuổi), trọ tại xóm trọ Ký Lễ, ấp Lồ Ồ, xã An Tây, Bến Cát, Bình Dương, nhìn xa xăm: “Quê tôi ở Long An, không xa Bình Dương lắm. Nhưng về làm gì, giờ chỉ còn cái nền nhà chứ có ruộng vườn gì đâu. Bán hết rồi”.

Cả gia đình ông gồm 9 đứa con với hai vợ chồng lên đây làm ăn từ năm 2007, có 4 người con lớn đã có vợ chồng đi xa làm ăn. Ông cho biết: “Hiện còn 5 đứa con với đứa cháu ngoại (con cô cả, bị chồng bỏ nên để con cho ông bà ngoại nuôi) sống với vợ chồng tui trong căn nhà trọ này”.

Tính ra, từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2008, gia đình ông cũng sống tạm ổn khi cả 3 đứa con lớn là Nguyễn Văn Quyển (21 tuổi), Nguyễn Văn Quới (19 tuổi), Nguyễn Phú Hổ (17 tuổi) đều đi làm công nhân, vợ ông thì buôn bán cá ngoài chợ, ông chăm sóc con cháu và ai thuê gì làm nấy. Nhà cũng đủ ăn nên ông cũng cố cho hai đứa con út đi học (Nguyễn Phước Tài học lớp 1, Nguyễn Văn Phú học lớp 2) mà không phải đi bán vé số.

Đùng cái cuối năm, cả 3 anh em đều giãn việc, chủ yếu ăn lương cơ bản, mỗi tháng vài trăm ngàn. Đầu năm 2009, Quyển mất việc, hai em còn lại cũng vật vờ với đồng lương cơ bản. Phú phải bỏ lớp đi bán cá với mẹ, Tài còn bé quá nên chưa cho đi làm. Còn ông No thì ngoài làm thuê làm mướn còn đi mua lươn làm khô bán cho anh em công nhân kiếm thêm tiền mắm muối.

Ông than: “Chẳng kể thằng Phú còn con nít, tính ra nhà có 5 lao động mà mỗi tháng chỉ kiếm được trên dưới 2 triệu đồng. Anh tính, 8 miệng ăn mà chỉ có 2 triệu, trong khi tiền nhà trọ cho cả đại gia đình tháng hết 800 ngàn rồi. Cố mà sống lay lắt qua ngày chứ vui thú gì mà lễ tết. Nợ nần thì bao quanh, tiền nhà thiếu 4 tháng, còn vay chủ nhà thêm mấy trăm mua gạo củi trong những ngày chợ ế, vợ không bán được gì…”.

Rồi ông nhìn lũ trẻ nhếch nhác đang vui đùa buột miệng: “Cũng tính về quê cho mấy đứa nhỏ biết họ hàng tông tộc, ra đi cũng mấy năm rồi mà. Nhưng 8 miệng ăn còn chưa biết trông chờ vào ai cho qua cái đận khó khăn này nữa là quê quán tổ tiên…”.

Nợ đầm đìa vây bước mưu sinh  - 2
Hai đứa con nhỏ và cháu ngoại ông No những ngày cận Tết
Ngồi cạnh, ông Trần Văn Nghê (48 tuổi), cũng là công nhân vừa mất việc, góp lời: “Thôi, ráng mà nuôi con nuôi cháu ăn học thành tài cho nó khỏi nghèo đói như chúng ta”. Hai vợ chồng ông vốn quê An Giang, để có tiền nuôi đứa con đang học trên Sài Gòn mà tha hương làm công nhân mấy năm nay. “Hai vợ chồng cũng cố tằn tiện cho thằng con ăn học để “chờ ngày hái quả”, nhưng năm nay khó quá!”- ông bặm môi suy tính.

Đứa trẻ sắp ra đời trong cảnh gian lao

Bi đát hơn là tình cảnh cảnh của cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Đinh (21 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Lệ (18 tuổi). Cùng là công nhân công ty Việt Long nên khi công ty đóng cửa, cả hai vợ chồng cùng mất việc. Khổ cái là Lệ đang mang thai tháng thứ 9, dự kiến giữa tháng Chạp này sẽ sinh. Cho nên, cái Tết trước mắt đong đầy bao lo lắng.

Đinh kể: “Biết vợ có thai nên từ đầu năm đến nay em làm dữ lắm, ngày tăng ca mấy tiếng em cũng làm, không nghỉ lễ chủ nhật gì cả. Lương mấy tháng đầu năm em làm được tới 2,5 – 3 triệu đồng. Nếu cứ vậy hoài thì cũng đỡ, nhưng mấy tháng cuối cho dù em tăng ca bao nhiêu cũng chỉ lĩnh được trên dưới 1 triệu. Tháng nghỉ việc, em lĩnh được hơn 1 triệu đã là nhiều nhất công ty rồi”.

Khi được hỏi mất việc rồi sao không về quê để vợ sinh cho tiện? Đinh ngập ngừng: “Quê em ở Trà Vinh, nhưng cha mẹ cũng lên Sài Gòn làm công nhân như em rồi. Vợ em ở Bình Phước nhưng nhà cũng khổ lắm. Vả lại, giấy bảo hiểm y tế của vợ em còn hạn, sinh ở đây nếu có trục trặc gì thì đỡ tốn tiến, chứ về quê thì lấy đâu ra…”.

Nhìn cô vợ trẻ con ôm cái bụng lặc lè chín tháng đứng bên anh chồng cũng không lớn hơn bao nhiêu, chúng tôi thấy ngại cho những ngày sắp tới của họ. Rồi sau khi sinh, hai vợ chồng, một đứa con sẽ ra sao khi chẳng ai có việc làm?! 

Đang miên man thì Lệ kể: “Trong chuyền của em ở công ty Việt Long cũng có một chị mang bầu tháng cuối như em. Hôm lãnh lương tháng cuối cùng, trừ hết các khoản chị ấy chỉ được có 20 ngàn. Chị ấy cầm bảng lương ôm mặt khóc rấm rứt cả buổi. Giờ không biết chị ấy đi đâu nữa. Nghe nói anh chồng cũng thất nghiệp trước đó rồi…”.

Chúng tôi cố hỏi han về trường hợp của người phụ nữ tội nghiệp trên, nhưng mãi vẫn chưa gặp. Không biết giờ chị ra sao? Đứa trẻ sẽ ra đời ở đâu? Quê nhà hay… Mấy tháng trước, tại các khu công nghiệp ở Thủ Đức (TPHCM), Bình Dương cũng nghe râm ran chuyện những đứa trẻ sơ sinh bị vứt trong thùng rác, lại nghĩ miên man… Có lẽ, những đứa trẻ này không nên ra đời vào lúc gian lao như thế!

Tùng Nguyên - Đoàn Quý