Công nhân “về vườn”

Các nhà máy chế biến thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long trở nên trầm lắng khi thị trường xuất khẩu giảm sút. Một vài nhà máy giảm thu mua nguyên liệu, giãn ca, cho công nhân nghỉ luân phiên... nhưng đã có hàng trăm công nhân phải trở về làng quê.

Công nhân “về vườn” - 1

 

Ngày không bình thường

 

Tan ca, con đường gần 20 cây số về nhà chị Vân, công nhân công ty chế biến thuỷ sản Biển Đông, dường như đi mãi không thấy tới. Chị Vân nói: “Tết năm ngoái, công ty Biển Đông làm ăn có lời, thưởng tết bằng 60% lương, nhưng năm nay nghe nói sẽ tệ lắm”. Hai vợ chồng cùng làm công nhân, lương gộp lúc bình thường hơn 4 triệu đồng, đủ chi tiêu trong gia đình, nhưng năm nay chưa biết thế nào.

 

Với lý do mạ băng dày, lẫn tạp chất, nhiễm vi sinh... các nhà nhập khẩu ở Nga đã đóng cửa thị trường cá tra Việt Nam kể từ 20/12/2008. Trước đó một tuần, các nhà chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã cảnh báo những lô hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng này. Thành phố Cần Thơ có 29 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản. Mấy tháng cuối năm 2008, công nhân các nhà máy chế biến thuỷ sản cảm nhận nguy cơ giảm việc làm.

 

Cuối tháng 12/2008, ông Châu Hồng Thái, trưởng phòng lao động - việc làm thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội TP Cần Thơ cho biết: “Doanh nghiệp ở các tỉnh trong vùng thường có đông công nhân, quỹ lương lớn, năm ngoái thưởng tết cao nhất là một tháng lương. Năm nay nghe nói khó duy trì mức thưởng này”.

 

Giám đốc một nhà máy chế biến thuỷ sản ở Trà Nóc nhận định: “Hai tháng cuối năm 2008, tình hình thị trường rất xấu và sẽ kéo dài tới tháng 6/2009. Chỉ có thể duy trì việc làm cho 700 - 800 công nhân, doanh nghiệp cũng phải lo khoản chi lương 2,5 tỉ đồng”. Theo vị này, nhà máy cố duy trì mức thưởng bằng năm ngoái, nhưng nếu duy trì việc làm cho 2.000 công nhân, mức chi lương cả 4 tỉ đồng thì là việc hết sức khó khăn.

 

Công nhân về vườn

 

Nguyễn Hoàng Hải, công nhân cho một xí nghiệp may, đã phải trở về sống với miếng vườn nhỏ ở Tiền Giang. Đang sống với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, đùng một cái anh trở thành thất nghiệp. Dạt về Sài Gòn tá túc với người quen hơn hai tuần, cũng không kiếm đâu ra việc làm nên đành phải về quê.

 

Ba năm trước, nguồn thu từ miếng vườn với vài chục gốc dừa không giữ được chân Hải ở lại nhà với người mẹ đã gần 70 tuổi. Lên thành phố tìm việc làm, anh sắm được xe Honda Future, mỗi lần về quê so với trang lứa, anh như người tốt phước. Ai dè mất việc rồi quay về với mảnh vườn không người chăm sóc, hoa lợi cũng chẳng còn gì. Sinh kế duy nhất hiện tại là chạy xe ôm giữa miền quê, loanh quanh trong bán kính năm cây số để kiếm khách.

 

Nguyễn Thị Hồng Nho làm việc trong một doanh nghiệp chế biến cá tra ở Thốt Nốt vừa bị cắt hợp đồng lao động. Cô buồn bã vì gần cuối năm ai cũng ráng làm để chờ tiền thưởng tết, nhưng mất việc làm bất tử phải về nhà mà trong túi chẳng có đồng lương, thưởng gì. Về quê ở Thới Thạnh (Ô Môn, Cần Thơ), công việc hàng ngày của Nho là giăng lưới kiếm cá, chờ tới mùa làm lúa có người thuê mướn thì ra đồng…

 

Nho nói: “Tôi vẫn nuôi hy vọng lúc nào xí nghiệp có việc thì xin đi làm trở lại. Hồi trước nhờ thu nhập của công nhân mà tôi mua được tập vở, quần áo cho mấy đứa em đi học, giúp gia đình chút đỉnh. Mất việc, không chỉ báo hại cha mẹ mà còn rối việc học của các em”.

 

Nhiều nữ công nhân buồn rười rượi cho biết, có người về quê cố tìm đường dây lấy chồng nước ngoài.

 

Theo Đức Toàn - Ngọc Ngân

Sài Gòn tiếp thị