1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nợ công quốc gia, cử tri không muốn Việt Nam là Hy Lạp thứ 2

(Dân trí) - Không chỉ phản đối chuyện xây dựng trụ sở hành chính, tượng đài với số tiền cả trăm ngàn tỷ đồng, cử tri TPHCM còn đề nghị phải trưng cầu dân ý về nợ công để tránh nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp. Có như thế, đời con cháu không phải trả nợ thay ông bà.

Trong buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu số 1, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, cử tri quận 1, quận 3 đã có nhiều ý kiến xác đáng về nội dung kỳ họp Quốc hội khóa XIII vừa qua cũng như chuyển tải những vấn đề bức xúc về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội…

Cử tri Hà Hạnh (Quận 3) đề nghị không tích hợp giảng dạy môn Lịch Sử vì đó là niềm tự hào của dân tộc khi bao thế hệ cha anh đã ngã xuống trong quá trình dựng nước, giữ nước. Ông Hạnh cũng cho rằng, cần xem xét lại phương pháp dạy để làm sao từng bài học lịch sử không nhàm chán, thô cứng mà khơi gợi sự ham học hỏi, thấm nhuần giá trị dân tộc trong mỗi buổi học.

Về lo lắng của cử tri Hà Hạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, chủ trương tích hợp bộ môn Lịch Sử với môn khác bị xã hội lên án nhiều. Vì thế, Quốc hội quyết định Lịch Sử vẫn là môn độc lập nên không có gì thay đổi.


Cử tri TPHCM đánh giá cao vai trò của các ĐBQH mà họ đã tín nhiệm bầu ra trong nhiệm kỳ qua

Cử tri TPHCM đánh giá cao vai trò của các ĐBQH mà họ đã tín nhiệm bầu ra trong nhiệm kỳ qua

Trong khi đó, cử tri Lê Thanh Tùng bày tỏ sự bức xúc khi “bệnh” hình thức phô trương, cửa quyền ngày nay rất phổ biến. Từ trung ương đến địa phương, đâu đâu cũng đua nhau xây trụ sở hành chính. “Cái bệnh này là bệnh tư duy nhiệm kỳ, muốn để lại dấu ấn gì đó. Dấu ấn giảm nghèo, làm sao cho dân bớt khổ không làm mà lo xây công sở, tượng đài trong lúc quần chúng đói khát, kinh tế khó khăn. Từ trên xuống dưới đua nhau xây công sở, trong khi bệnh viện trường học mãi thiếu thốn, xập xệ”, ông Tùng nói.

Cũng theo cử tri Tùng, ngoài lãng phí tài sản, lãng phí lớn nhất của nước ta hiên nay là lãng phí lực lượng thanh niên. Ông Tùng mong rằng, đừng để “Tỉ phú hôm nay, gánh nặng ngày mai”. “Tỉ phú” thứ nhất là hưu trí khi đã hết thời gian công hiến cho đất nước, nghỉ ngơi theo chế độ đã đành, nay xuất hiện thêm “tỉ phú” thứ 2 đó là thanh niên ra trường muốn làm việc nhàn hạ, nhiều lương, hoặc ăn chơi, lười lao động. “Lực lương thanh niên mà như thế này thì làm sao phát triển xây dựng đất nước được”, ông Tùng lo lắng.

Cử tri Lê Văn Cẩn cũng không yên tâm và bày tỏ bất bình với việc tiêu tiền “như lá mít” của hệ thống chính quyền các cấp. Ông Cẩn yêu cầu khi Quốc hội muốn nâng trần nợ công thì phải đưa vào trưng cầu dân ý. “Cử tri không muốn Việt Nam là Hy Lạp thứ 2. Cử tri muốn giám sát chặt chẽ hơn để đồng tiền quốc gia được sử dụng đúng mục đích, con cháu chúng tôi không phải trả nợ”, ông Cẩn nói.


Nợ công cao, người dân không muốn Việt Nam là Hy Lạp thứ 2

Nợ công cao, người dân không muốn Việt Nam là Hy Lạp thứ 2

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đồng tình với ý kiến của bà con cử tri. Ông Lịch cũng cho rằng, nước ta đang còn nhiều tồn tại như nợ công quá lớn; vay quá nhiều; lãng phí trong đầu tư, chi tiêu thường xuyên; bội chi ngân sách kéo dài… Những điều này là mối nguy hại đến an ninh kinh tế quốc gia.

Mặt khác, nền nông nghiệp đang chựng lại, nông dân khó khăn. Báo động tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Tái cơ cấu nền kinh tế quá chậm nên đứng trước những khó khăn nhất định khi tham gia vào tiến trình hội nhập.

“Quốc hội sẽ quyết định cắt giảm chi thường xuyên, các khoản đầu tư không hiệu quả, khoản chi không cần thiết như lễ hội, thăm quan, học hỏi. Đừng bao giờ lấy tiền thuế của dân mà đi "trả nợ miệng của nhau", ông này mời ông kia rất tốn kém”, ông Lịch nói.

Công Quang

 

Nợ công quốc gia, cử tri không muốn Việt Nam là Hy Lạp thứ 2 - 3