1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ninh Thuận khánh thành nhà máy điện gió thứ 2 trị giá gần 1.500 tỷ đồng

(Dân trí) - Với chi phí đầu tư xây dựng lớn, điện gió ít được ưa chuộng hơn các loại hình năng lượng khác như nhiệt điện, thủy điện... Tuy nhiên, với định hướng trở thành trung tâm năng lượng sạch, chỉ trong vòng 2 năm, Ninh Thuận đã khánh thành 2 nhà máy điện gió quy mô lớn.

Sáng 10/4, tại huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy điện gió Mũi Dinh. Nhà máy này có công suất giai đoạn 1 là 37,6 MW với tổng mức đầu tư 1.472 tỷ đồng. Đây là nhà máy điện gió thứ 2 của tỉnh Ninh Thuận, sau nhà máy điện gió Đầm Nại khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 1/2018.

Ninh Thuận khánh thành nhà máy điện gió thứ 2 trị giá gần 1.500 tỷ đồng - 1
UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ khánh thành nhà máy điện gió Mũi Dinh

Ông Klaus Dieter Lietzmann - Chủ tịch Tập đoàn EAB Newenergy GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức, chủ đầu tư dự án), cho biết, dự án điện gió Mũi Dinh gồm 16 tuabin gió E-103. Đây là một trong những loại tuabin hiện đại và tốt nhất do hãng Enercon GmbH sản xuất. Công suất tối đa là 2,35 MW/tuabin.

Vào tháng 1/2019,  dự án đã hoàn thành xây dựng công trình trạm biến áp 110kV Mũi Dinh, đóng điện lần đầu thành công và bắt đầu hòa lưới. Nhà máy Điện Gió Mũi Dinh đưa vào hoạt động sẽ đóng góp thêm hằng năm 100 triệu Kwh năng lượng sạch vào lưới điện quốc gia. 

Ninh Thuận khánh thành nhà máy điện gió thứ 2 trị giá gần 1.500 tỷ đồng - 2
Các trụ quạt quay tuabin gió của nhà máy điện gió Mũi Dinh

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Đây là dự án điện gió thứ 2 tại Ninh Thuận đi vào vận hành thương mại, tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Ninh Thuận là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất cả nước. Tốc độ gió trung bình ở độ cao 65m, đạt 7,25 m/s, bảo đảm cho turbin gió phát điện ổn định. Ngoài ta, Ninh Thuận còn là nơi nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất cả nước, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, với diện tích gần 80.000 ha có tiềm năng phát triển điện mặt trời.

Chính nhờ lợi thế này mà Ninh Thuận đã xác định sẽ phát triển thành trung tâm năng lượng sạch với 2 trọng tâm là điện gió và điện mặt trời. Tính đến nay, Ninh Thuận đã thu hút nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đầu tư tại tỉnh với tổng công suất trên 2.800 MW; trong đó điện mặt trời công suất 2.000 MW; điện gió 800 MW. Từ năm 2018 đến nay, Ninh Thuận đã có 18 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió khởi công. Trong tháng 4 này sẽ có 9 dự án được khánh thành với tổng công suất hơn 600 MW.

Đức An