1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Niềm vui của người phụ nữ hơn mười năm bán máu nuôi mẹ

(Dân trí) - Không chồng con, ở nhà thuê, bán máu để sống, nhưng khi được hỏi có thấy buồn cho số phận của mình không, cô cười: “Buồn cũng vậy à… Thôi! Khỏi buồn luôn. Buồn chi, giải quyết được gì đâu, lạc quan luôn đi! Có mẹ là nhất rồi!”.

 

Người phụ nữ mười năm bán máu nuôi mẹ.

Cô là Phan Thị Tuyết Trinh (56 tuổi), quê gốc ở quận 8, TPHCM nhưng từ trước giải phóng đã chuyển về Hóc Môn sinh sống. Từ nhỏ, cô đã phải bươn chải, làm đủ thứ nghề để mưu sinh kiếm tiền phụ mẹ. Về Hóc Môn, gia đình cô cũng có một căn nhà nhỏ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã bán từ nhiều năm trước.

Gần mười năm qua, cô và người mẹ già phải tá túc trong những căn phòng trọ. Ngày thường, cô làm đủ thứ việc từ phụ việc nhà, phụ quán ăn, cho đến bán vé số… để nuôi mẹ. Những khi cận kề ngày đóng tiền nhà mà không có, cô lại vào viện bán máu để “chữa cháy”. Mỗi tháng tiền nhà là 900 ngàn, cứ canh đúng gần ngày đóng tiền nhà, cô lại đi bán máu.

Theo dõi lịch, chờ ngày bệnh viện gọi lên lấy tiểu cầu.
Theo dõi lịch, chờ ngày bệnh viện gọi lên lấy tiểu cầu.

Cô Trinh bộc bạch: “Từ năm 2002, tui đi bán máu để có tiền trang trải. Nhưng bây giờ, nhu cầu máu không còn nhiều, người ta chỉ mua tiểu cầu. 40 ngày 2 lần, bệnh viện kêu là tui lên. Có tháng bán được 600 ngàn một xị (tương đương 250 ml), có tháng chỉ có 400 ngàn…”.


Giấy hẹn của bệnh viện.​

Giấy hẹn của bệnh viện.​

Bữa cơm hôm nay của cô có bầu kho xin ở bếp từ thiện bệnh viện huyện Hóc Môn, canh khoai môn của một đám giỗ gần nhà. Cô cười và nói: “Bình thường ăn vậy đó, chứ có chút tiền là cho mẹ ăn thịt liền. Có nhiêu đâu, mình “nhín” chút, mua chừng dăm ba chục là mẹ có thịt ăn rồi”.

Bữa ăm đạm bạc gồm bầu kho, canh củ môn.
Bữa ăm đạm bạc gồm bầu kho, canh củ môn.

Cô Thu Vân, người thuê trọ hàng xóm với cô Trinh chia sẻ: “Tui là hàng xóm của bả từ năm 2009, thấy bả đi bán máu hoài tui cứ khuyên đừng có bán nữa, ảnh hưởng sức khỏe. Cuộc sống của chị ấy mà, mình chỉ khuyên vậy thôi, chứ đâu giúp được nhiều. Mẹ chị ấy thì già, làm không ra tiền, lỡ bệnh nằm xuống ai mà lo đây… Tôi cũng nghèo, nhưng được cái có chồng con đi làm cũng đỡ, còn chị ấy có một mình. Đi bán máu mà tui thấy tui còn sợ!”.

Không chồng, không con, chỉ sống với mẹ già nhưng trong phòng cô có nhiều hình của một bé gái. Thắc mắc, chúng tôi hỏi đây là ai. Đang kể chuyện đời mình, đôi mắt cô sáng rực lên, hồ hởi chỉ vào từng tấm hình: “Lúc mẹ tôi còn khỏe, có nhận chăm sóc con nhỏ này do ba mẹ nó bận đi làm, tháng kiếm thêm chút đỉnh. Con “chó con” này thấy ghét lắm (ý chỉ cô bé - PV). Hai năm trước nó phải về quê đi học, nhớ nó quá nên dán hình nó lên để ngắm…”.

Nói đến đây cô Trinh im lặng, tay mân mê tấm ảnh. Không nói, nhưng ai cũng hiểu, có người phụ nữ nào chẳng mong cho mình có một hạnh phúc đủ đầy!

Hỏi cô có thấy buồn cho số phận của mình không? Cô nói: “Buồn cũng vậy à… Thôi! Khỏi buồn luôn, buồn chi, giải quyết được gì đâu, lạc quan luôn đi! Có mẹ là nhất rồi!”…

Cô cười mà sao thấy nghẹn lòng. Với cô bây giờ, niềm vui lớn nhất là còn có mẹ để chăm sóc, còn có hình đứa trẻ dễ thương mà mình yêu mến để ngắm nhìn lúc cô đơn…

Phạm Nguyễn

(phamnguyen.dtr@gmail.com)