Niềm tin, chuẩn mực ứng xử trên Biển Đông làm nên trụ cột chính trị - an ninh trong ASEAN
(Dân trí) - Nói về kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, đối thoại, niềm tin, và quy tắc ứng xử chuẩn mực ở Biển Đông là những thành tố ở vị trí trung tâm trong trụ cột chính trị - an ninh...
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan (2-4/11/2019), ngày 2/11, tại Thủ đô BangKok, Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 20 (APSC-20) và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 24 (ACC-24).
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN; chúc mừng nhiệm kỳ Chủ tịch thành công của Thái Lan với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường, ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết nhất trí; củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt; ứng phó hiệu quả, kịp thời các thách thức; bảo đảm giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc tăng cường hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải, xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu, đánh giá cao những kết quả ASEAN đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, góp phần duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là thời điểm quan trọng đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch Tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng, cũng như nhiều dịp kỷ niệm quan trọng. Do vậy, ASEAN cần sớm tiến hành đánh giá giữa kỳ công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, xác định tồn tại, đề ra phương thức, giải pháp phù hợp để khắc phục nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đề ra các định hướng mới, nâng cao hiệu quả các chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Phó Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, việc củng cố đoàn kết thống nhất ASEAN sẽ tiếp tục có ý nghĩa chiến lược, là nền tảng cho thành công của ASEAN trong hơn nửa thế kỷ qua và tương lai. ASEAN cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa khả năng chủ động thích ứng trước những thời cơ và thách thức mới, trong đó có các cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 qua đó truyền thông điệp về một Cộng đồng ASEAN năng động, có bản sắc, phát triển bao trùm, bền vững, hướng tới người dân và gắn kết với cộng đồng các quốc gia toàn cầu.
Trong trụ cột chính trị - an ninh, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đề cao và phổ biến các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử đã được thừa nhận chung trong khu vực song song với quá trình đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm và vị thế dẫn dắt của ASEAN trong các tiến trình hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Thái Anh