Những vụ cưỡng dâm trẻ em gây nhức nhối toàn xã hội!
(Dân trí) - Bà Võ Thị Hoàng Yến, Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu hành vi và phát triển con người (ĐH Mở TPHCM) đã thốt lên như thế khi chia sẻ về những vụ hãm hiếp, giết hại trẻ em chấn động dư luận xảy ra thời gian gần đây.
Giết chết cả 1 cuộc đời
Ngày 29/7, cả xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bàng hoàng, phẫn nộ trước tin một kẻ sát nhân cuồng dâm đã hãm hại hai chị em gái: giết chết đứa em nhỏ 4 tuổi và hiếp dâm cô chị 8 tuổi. Kẻ thủ ác bị bắt ngay sau đó, được xác định là Đặng Trần Hoài, một người đàn ông đã có vợ, vừa mới có con nhỏ.
Dư luận chưa hết bàng hoàng thì một vụ án hiếp dâm trẻ em rồi giết chết để bịt miệng lại được phát hiện ở Bắc Giang ngày 31/7. Kẻ thủ ác là ông họ của nạn nhân, bé gái mới 11 tuổi. Để che giấu tội ác của mình, kẻ thủ ác đã bóp cổ em nhỏ đến chết rồi vứt xác xuống giếng sâu trong căn nhà hoang.
Hai vụ án với những tình tiết bạo lực man rợ khiến dư luận phẫn nộ. Theo các chuyên gia tâm lý, không cần giết người bịt miệng, chỉ riêng tội hiếp dâm trẻ em đã là tội ác tột cùng. Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua khiến bất cứ ai có lương tri đều thấy nhức nhối.
Th.S Võ Thị Hoàng Yến cho biết: “Trẻ em bị xâm hại sau đó thường gặp những vấn đề về tâm lý và hành vi phức tạp, ảnh hưởng rất lâu dài. Tuỳ theo mức độ xâm hại, các em luôn lo lắng sợ hãi, thu người lại, xem mình là kẻ bỏ đi, hay trở thành kẻ nổi loạn hoặc trầm cảm. Có em quay trở lại những hành vi thơ trẻ như mút tay, đái dầm, khó ngủ, rối loạn ăn uống, hoặc rối loạn hành vi. Có em còn tìm cách tự tử để tự giải thoát…”.
Chưa kể khi trưởng thành, có em mất niềm tin vào con người nên luôn huỷ hoại bản thân, sa vào rượu chè, ma tuý, mại dâm. Có em lại sống trong vòng luẩn quẩn của lạm dụng tình dục và bạo hành. Có em trở thành người luôn che giấu cảm xúc thật hoặc chối bỏ cảm xúc của mình như một cơ chế tự vệ…
Từ đó bà Võ Thị Hoàng Yến cho rằng: “Rõ ràng xâm hại tình dục trẻ em phải bị xử nặng hơn cả tội giết người. Vì những kẻ xâm hại không phải giết chết 1 mạng người mà giết chết cả 1 cuộc đời!”.
Cần một hệ thống hỗ trợ hữu hiệu
Theo Th.S Võ Thị Hoàng Yến, những trường hợp hiếp dâm trẻ em đột phát như vụ hiếp dâm xảy ra ngày 29/7 tại Sơn Tây, Hà Nội chỉ là 1 con số nhỏ, không gây hại nghiêm trọng cho xã hội vì chúng dễ dàng bị phát hiện. Nghiêm trọng nhất là những vụ xâm hại tình dục trẻ em bởi những người quen biết. Vì trong trường hợp này, trẻ sẽ bị xâm hại trong thời gian dài, khó bị phát hiện và nó rất phổ biến.
Th.S Võ Thị Hoàng Yến cho biết: “Nghiên cứu cho thấy 85% trẻ bị xâm hại bởi những người quen biết. Những kẻ đó có thể là thân thích ruột rà, thậm chí là cha ruột; cũng có thể là hàng xóm, người giữ trẻ, thầy cô giáo... Những kẻ đó có thể là bất cứ ai có điều kiện gần gũi với trẻ”.
Lợi dụng mối quan hệ thân thiết, những đối tượng này dễ dàng dụ dỗ, dọa dẫm trẻ để xâm hại tình dục khi có điều kiện tiếp xúc với trẻ ở nơi vắng vẻ. Những trẻ dễ bị xâm hại thường do cha mẹ thiếu quan tâm, thiếu kiến thức hoặc không có điều kiện quan tâm đến con trẻ; những trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ thiểu năng trí tuệ dễ trở thành “mồi ngon” cho nạn xâm hại tình dục.
Theo bà Hoàng Yến, chính mối quan hệ thân thiết với thủ phạm nên các em bị xâm hại tình dục mắc kẹt giữa sự mâu thuẫn của tình cảm dành cho người đó với cảm giác sai quấy của những điều đã xảy ra. Còn cha mẹ và người xung quanh thì khó phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại do thiếu kiến thức. Chính vì những yếu tố này mà hành vi xâm hại tình dục trong trường hợp này khó bị phát hiện và kéo dài, gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống của trẻ sau này.
Th.S Võ Thị Hoàng Yến cho rằng: “Lẽ ra các em phải được chỉ dạy thế nào là một mối quan hệ lành mạnh, được chỉ dạy để biết rằng có những nơi trên cơ thể mình người khác (bất kể người đó là ai) không được chạm đến, tại sao lại như thế, và nếu bị xâm hại thì các em nên ứng phó như thế nào...”.
Ngoài ra, xã hội cũng cần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để mức phạt những kẻ xâm hại đủ sức răn đe, cần xử phạt cả những người biết trẻ bị xâm hại mà bao che hoặc im lặng. Đồng thời các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức nhận biết trẻ có dấu hiếu bị xâm hại để kịp thời phát hiện con em mình, trẻ em xung quanh mình đang bị xâm hại để bảo vệ trẻ…
“Xã hội chúng ta rõ ràng là thiếu một hệ thống hỗ trợ hữu hiệu giúp trẻ học kỹ năng nhận diện nguy cơ bị xâm hại, và để trẻ có thể tự tin tìm đến khi gặp những dấu hiệu cho thấy nguy cơ bị xâm hại” - Th.S Võ Thị Hoàng Yến kết luận.
Tùng Nguyên