1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những vấn đề nóng của ngành y năm 2005

Năm 2005 được coi là năm thắng lợi của y tế VN, song những thống kê về bệnh tật, chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn khá nóng bỏng.

Thành công của ca ghép gan đầu tiên cho cháu Nguyễn Thị Diệp vào đầu năm 2004 ở BV 103, kỹ thuật này không còn là thế mạnh của riêng BV 103, mà đã tạo đà cho các BV khác tham gia vào cuộc đua tài này. Đến nay, đã có 8 BV đủ khả năng thực hiện kỹ thuật cao này. Đáng mừng là các kỹ thuật này cũng được BHYT thanh toán.

Với "lưng vốn" hơn 160 ca ghép thận, 3 ca ghép gan, ngành ghép tạng VN đang tiếp tục chờ luật để có thể mở rộng. Các  kỹ thuật tiên tiến khác cũng được áp dụng thành công: Mổ sọ não bằng dao mổ gamma, phẫu thuật tim hở, 2.000 cháu bé ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm...

3 tháng qua, không có ca H5N1 nào ở người được phát hiện. Dịch cúm gia cầm cũng tạm thời được khống chế. Nhiều hộ nuôi gia cầm đã thoát nguy cơ mất trắng, nhưng việc cho phép lưu hành "gà sạch" trong những ngày giáp Tết này vẫn tiềm ẩn hiểm hoạ. Bởi sự chủ quan, chống dịch theo phong trào vẫn bám dai dẳng trong nếp nghĩ của người dân.

Cùng với cúm H5N1, HIV/AIDS cũng đang gây lo ngại khi ngày càng có xu hướng lan ra cộng đồng, chứ không chỉ nhiễm trong đối tượng tiêm chích, mại dâm. Khoảng 1/3 bệnh nhân AIDS được cấp thuốc. Tuy nhiên, như Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN Hans Troedsson cảnh báo: "Việc có và phân phối được cho khoảng 5.000 bệnh nhân AIDS, không có nghĩa là số thuốc đó đã được sử dụng hiệu quả, khi mà chất lượng tư vấn, khám chữa bệnh, điều trị HIV/AIDS ở VN còn không ít bất cập".

Thực phẩm không an toàn và ngộ độc thực phẩm vẫn là chuyện càng nói, càng bế tắc từ nhiều năm nay.  Theo GS - TS Nguyễn Thị Dụ - GĐ TT Chống độc BV Bạch Mai: "Tỉ lệ ngộ độc cấp ở VN là 80/100.000 dân - con số quá lớn. Mỗi năm có khoảng hơn 66.000 ca mắc". Trước sự xé rào, coi thường pháp luật đang trở thành "dịch", ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các ngành hầu như bị động.

PGĐ Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang mới đây đã khẳng định: "Các cơ quan chỉ nặng về đối phó nhằm trong từng thời điểm, chẳng hạn như các cuộc cao điểm ra quân kiểm tra, xong đâu lại vào đấy".

"Tiễn" năm 2005 với nhiều ý kiến, dư luận về chất lượng y tế, ngày 19/1 vừa qua, Bộ Y tế đã công bố thí điểm xếp hạng chất lượng cho các BV. Theo đó, BV đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được gắn "sao", giống như tiêu chuẩn mà ngành du lịch áp dụng khi gắn "sao" khách sạn. Đây là một hình thức thi đua, nhưng nếu cũng chỉ thực hiện đạt tiến độ, đủ số lượng như việc triển khai công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em trong năm qua thì chỉ gây thêm những thất vọng cho người bệnh.

Năm qua - khi bắt đầu chính sách này, khi Bộ Y tế và UB DS - GĐ - TE thống nhất quyết tâm thực hiện, tài chính đã được cấp đầy đủ, mà cả năm 2005 qua chỉ giải ngân được 1/3 trong số hơn 395 tỉ kinh phí. Sau 6 tháng thực thi, các BV, thậm chí ngay cả lãnh đạo Bộ Y tế hồi âm bằng những lời nói không mặn mà với chính sách này.

 

Theo Quang Huy
Lao Động