1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những tỷ phú nông dân ở Hải Dương

(Dân trí) - Ðứng trên triền đê xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nhìn xuống vùng đất bãi ven sông - nơi đang hình thành những cánh đồng 300 triệu/ha - chúng tôi thấy rạo rực bởi mơn mởn màu xanh, màu đỏ của cà rốt, một sự sống mới đang bừng trỗi dậy, mạnh mẽ.

Vùng đất bãi gần 400ha này trước đây thâm canh cây lúa. Gần một thập kỷ nay, 1.580 hộ bà con nông dân đã chuyển đổi hơn 252 ha sang trồng cà rốt, loại rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao.

 

Trong cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công ấy, Nguyễn Văn Trung - một tỷ phú từng trải qua thời kỳ gian khó “đạp xe thồ đi bán dạo cà rốt” góp sức rất lớn. Năm 2005, Trung đầu tư một khu xưởng sơ chế cà rốt rộng hơn 10.000m2, trang bị hệ thống 11 máy rửa, 3 kho lạnh với sức chứa 300 tấn/kho, máy biến thế riêng với tổng trị giá 7 tỷ đồng. Đồng thời, Trung mua 2 ô tô tải phục vụ cho việc chở hàng đường trường Bắc - Nam.

 

Năm 2006, xưởng sơ chế cà rốt của Nguyễn Văn Trung đi vào hoạt động, bình quân tiếp nhận khoảng 200 tấn củ/ngày, xuất trên 100 tấn/ngày. Ngoài cà rốt trong xã do bà con cung ứng khoảng 10.500 tấn/năm, xưởng còn thu mua cà rốt ở nhiều địa phương khác. Hiện nay, mỗi vụ sản xuất, anh thu mua, tiêu thụ khoảng trên 10 ngàn tấn củ. Xưởng sơ chế của Trung tạo việc làm cho hàng trăm lao động dôi dư trong xã, với mức lương 50.000 đồng/ngày, bình quân 1,5 triệu đồng/tháng.

 

Từ thành phố Hải Dương xuôi Quốc lộ 17 là đến vùng quê thuần nông Đào Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện. Nơi đây, anh Trần Văn Nhạ đang nổi lên là chủ một trang trại tầm cỡ của Hải Dương với thu nhập trên 400 triệu/năm.

 

Không cam chịu cảnh nghèo khó, thấy xã Đoàn Tùng còn những khu đầm trũng bỏ hoang hoá để cỏ mọc, nhất là trước những chủ trương khuyến khích người dân làm giàu của chính quyền địa phương và Hội Nông dân, ý nghĩ thành lập trang trại loé lên trong anh Nhạ. Anh và vợ đã táo bạo xin đấu thầu 4 mẫu đầm trũng của UBND xã để làm mô hình VAC (trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp với chăn nuôi và thâm canh thuỷ sản).

 

Có đất, anh huy động số vốn ít ỏi của gia đình và từ anh em, vay thêm Ngân hàng rồi đi học hỏi kinh nghiệm thực tế ở các mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Trần Văn Nhạ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức.

 

Anh xây dựng 1.700 m2 chuồng trại chia làm 6 khu nhà để nuôi gà công nghiệp, lợn thịt hướng nạc xuất khẩu với 8 vạn con gà, 800 con lợn/năm. Anh đào 3 ao với diện tích 7.000 m2 nuôi cá trê lai, rô phi đơn tính... Diện tích còn lại là vườn cây ăn quả được anh trồng xen kẽ giữa các khu chuồng và ao. Với cách làm này, anh vừa tận dụng được các sản phẩm phụ từ chăn nuôi, vừa đảm bảo môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập.

 

Năm 2007, anh tiếp tục mở rộng trang trại với tổng diện tích 8,5 ha. Anh xây dựng 19 dãy chuồng trại với diện tích 4.000 m2 để nuôi hàng vạn con gà/năm, số đất còn lại anh đào ao để nuôi cá giống, cá thịt và trồng cây ăn quả. Đi đúng định hướng, hoạt động hiệu quả, trang trại của anh đã cho thu nhập trung bình 400 triệu đồng/năm. Hơn 20 lao động thường xuyên làm việc được hưởng mức lương bình quân 1,3 triệu đồng/tháng. 25 hộ gia đình trong và ngoài xã Đoàn Tùng còn được anh Nhạ giúp đỡ về kỹ thuật, con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhiều hộ gia đình đã trở thành chủ trang trại độc lập, có người đã thành triệu phú.

 

Tương tự sự vươn lên như anh Trung, anh Nhạ, ở Hải Dương còn có anh Phạm Văn Quất, thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, chủ một trang trại gia đình có mức thu nhập đến 8 tỷ đồng/năm. Hay chị Lưu Thị Tám xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng thương phẩm...

 

Dương Anh Tùng

TTXVN