Những trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh cho xe vi phạm

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện, trừ trường hợp phương tiện giao thông là vật chứng của vụ án hình sự, xe đua trái phép, chống người thi hành công vụ, gây tai nạn giao thông; giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm bị thay đổi trái phép số khung, số máy.

Bộ Công an cho biết, sau gần 6 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quan tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, cơ quan chức năng đã tạm giữ, tịch thu trên 17,4 triệu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trong đó đã trả lại trên 4 triệu tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy trên 5 triệu tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5 triệu tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỷ đồng (bao gồm số tiền là tang vật, phương tiện vi phạm và số tiền thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm).

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Nghị định số 115 đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như: Chưa có quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh cần được mở rộng để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ; một số vấn đề thực tiễn đặt ra khi cho phép tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cũng cần được hoàn thiện.

Đồng thời, thời gian và số lần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp đã hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận còn dài và phải mất nhiều lần gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xử lý. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận lại thì cần có quy định xử lý theo hướng rút gọn thủ tục bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả…

Để bảo đảm cho việc tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an cho rằng việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013 là cần thiết.

Những trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh cho xe vi phạm - 1

Tổ chức, cá nhân có thể đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm (Ảnh minh hoạ).

Những trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh phương tiện

Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 115 đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi đã bổ sung các quy định về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu: Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc phương tiện chống mưa, nắng khác; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sang; xung quanh phải có hàng rào bảo vệ an toàn, có hệ thống thoát nước. Có các thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung các quy định về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Theo đó, người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ nếu có đủ một trong các điều kiện sau: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện.

Những trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh gồm: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; phương tiện được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Điều 17 Nghị định số 115/2013 cũng được sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời hạn tạm giữ. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền tịch thu phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thế Kha