1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những trường cai hoang vắng

Trở lại các trường, trung tâm cai nghiện ở TPHCM trong thời gian “hậu đề án cai nghiện”, thay đổi dễ nhận thấy nhất chính là sự vắng lặng, hoang vu bao trùm những cơ ngơi đồ sộ.

 

Những trường cai hoang vắng - 1

Nhiều trung tâm cai nghiện đồ sộ nay vắng tanh
 

Với quy mô rộng từ vài chục đến hàng trăm hécta mỗi đơn vị, việc sử dụng nguồn tài nguyên đất và khối lượng cơ sở vật chất tại đây sao cho khỏi lãng phí sau khi phần lớn học viên đã hồi gia, đang thực sự là bài toán khó của TPHCM.

 

TPHCM là địa phương đi đầu thực hiện đề án cai nghiện ma tuý tập trung (2003 - 2008). Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hàng chục trường, trung tâm cai nghiện ma tuý khắp từ thành phố lên các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên với mục đích chính đáp ứng công suất quản lý, chữa trị và giáo dục cho trên 30.000 người. Tuy nhiên, khi đề án trên kết thúc mà luật phòng chống ma tuý mới thì chưa có hướng dẫn thực hiện, “số mệnh” của hệ thống cơ sở vật chất này lâm vào cảnh lay lắt và kế hoạch làm công tác cai nghiện của TPHCM chưa biết sẽ đi về đâu.

 

Bỏ hoang

 

Hệ thống trung tâm giáo dục lao động xã hội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM quản lý có tổng cộng gần 800ha đất cùng 188ha công trình xây dựng cơ bản phục vụ công tác cai nghiện (phần lớn đóng tại huyện Phước Long, Bình Phước).

 

Trung tâm Phú Văn là một trong những đơn vị cai nghiện có quy mô lớn nhất của TPHCM, có tổng diện tích lên đến 365ha, trong đó diện tích xây dựng chiếm 61ha. Với chức năng quản lý các đối tượng tái nghiện, lượng học viên tại đây thường xuyên đạt trên dưới 2.500 người vào thời điểm 2003 - 2005. Đến nay, do thực hiện giải quyết hồi gia cho các trường hợp đã cai nghiện đủ 24 tháng, trung tâm chỉ còn lại 500 học viên, kể cả các đối tượng bảo trợ xã hội.

 

Hệ quả của việc thiếu vắng học viên không chỉ là hàng chục khu nhà để trống, mà xưởng chế biến hạt điều và xưởng may của trung tâm hoạt động từ năm 2003 cũng phải xoá sổ vì không có nhân công. Hiện ngoài một trại gà 44.000 con, liên kết với công ty Ba Huân, trung tâm Phú Văn đang khai thác 165ha cây công nghiệp gồm cao su, cà phê, tiêu và điều có sẵn.

 

Đến nay, thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy 10% trong số 17.000 người tái hoà nhập cộng đồng không trở về địa phương, trên 1.500 trường hợp trở về nhưng đã âm thầm rời khỏi nơi cư trú. Các địa phương có số người sau cai “biến mất” nhiều nhất lần lượt là: quận 8 (300 người), quận 4 (200 người), quận 10 (120 người)...

Trung tâm Đức Hạnh, rộng 174ha, diện tích xây dựng cơ bản là 47ha. Lượng học viên của trung tâm lúc trước thường xuyên ở con số xấp xỉ 2.500 người, bây giờ chỉ còn lại 300 người. Hoạt động tăng gia sản xuất của trung tâm khá đa dạng, gồm 95ha đất trồng trọt và chăn nuôi các loại heo, bò, cá sấu…

 

Nhưng khi số lượng học viên giảm mạnh, sản lượng cũng giảm theo. Đến nay, nguồn thu chủ yếu của trung tâm Đức Hạnh là từ 20ha cao su và 80ha điều. Trung tâm Phú Đức rộng 79ha. Trong khối lượng cơ sở vật chất được xây dựng để đáp ứng lượng học viên 1.500 người giờ đây nhiều hạng mục phải bỏ trống. Một khu nhà 500 chỗ ở dành cho học viên lâu ngày không sử dụng cỏ dại mọc um tùm trước cổng, song cửa và ổ khoá hoen gỉ, nhiều thiết bị đã xuống cấp…

 

Dự án trang trại

 

Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) quản lý 8 đơn vị thực hiện chức năng cai nghiện. Ở thời điểm “đỉnh cao”, hệ thống này quản lý tới hơn 10 ngàn học viên cai nghiện và sau cai. Sau khi đề án cai nghiện thí điểm (nghị quyết 16) của Quốc hội kết thúc vào giữa năm 2008, số học viên trong các trường giảm từ vài ngàn xuống còn vài trăm, thậm chí có trường chỉ còn lèo tèo mấy chục người. Trước nguy cơ lãng phí lớn, TNXP đã có nhiều nỗ lực chuyển đổi một phần công năng cơ sở vật chất qua sản xuất kinh tế nông nghiệp. Hiện TNXP đã triển khai tám dự án trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các trường.

 

Với tổng diện tích đất trên 165ha, trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2 đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thường xuyên quản lý trên dưới 2.500 học viên ở thời điểm thực hiện nghị quyết 16. Nhưng đến nay, học viên tại đây đã giảm xuống chỉ còn 400 người; cán bộ nhân viên giảm 130 người (từ 250 xuống 120). Trường có tổng cộng 22 khu nhà các loại với diện tích sàn xây dựng chiếm 24.316m2, trong đó nhiều khu hiện đang phải bỏ trống vì không có học viên. Để tránh lãng phí tài nguyên đất, trường vừa đầu tư trại chăn nuôi bò thịt quy mô 300 con và đồng cỏ rộng 19ha. Theo tính toán của chủ đầu tư, sau ba năm nữa, trại bò này sẽ cung cấp 1 triệu tấn thịt/năm cho thị trường.

 

Tương tự, tại các trường đóng trên địa bàn Bình Dương, Bình Phước, Dăk Nông…, TNXP cũng đã mở rộng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Tại trường 4, đã có hai dự án nuôi heo và gà công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 30 tỉ đồng. Riêng trại gà sẽ cho sản lượng 24 triệu trứng và 100 tấn thịt/năm. Trường 1 có dự án nuôi heo công nghiệp đầu tư 16 tỉ đồng; trường 5 có dự án nuôi heo sinh sản đầu tư 1,5 tỉ đồng và trồng điều cao sản 965 triệu đồng…

 

Theo Lam Đoan

Sài Gòn tiếp thị