Những tồn tại khiến TPHCM bị dịch Covid-19 "đả thương"

Quang Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM nhìn nhận, trong các đợt bùng phát Covid-19, địa bàn còn tồn tại về giãn cách, xét nghiệm. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị có những chính sách để phục hồi, phát triển thời gian tới.

Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thực hiện buổi giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.

Tại buổi làm việc, UBND TPHCM đã phân tích những mặt làm được và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong suốt quá trình phòng, chống dịch Covid-`19 vừa qua.

Những tồn tại khiến TPHCM bị dịch Covid-19 đả thương - 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi giám sát công tác phòng, chống dịch tại TPHCM (Ảnh: HMC).

Việc giãn cách có lúc chưa triệt để

Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, số lượng ca mắc mới trên địa bàn, số ca nặng, tử vong từng ở mức cao do những lý do cụ thể.

Trong đó, với đặc thù là đô thị dân số đông, mật độ dân cư dày đặc, nhiều nơi sống chen chúc, TPHCM chịu tác động nặng nề bởi chủng Delta của virus SARS-CoV-2. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đây là biến chủng nguy hiểm, không triệu chứng, lây lan nhanh, người bị nhiễm có khả năng chuyển biến nguy kịch rất nhanh trong khi khoa học chưa có nghiên cứu nhiều về biến chủng này.

Những tồn tại khiến TPHCM bị dịch Covid-19 đả thương - 2

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, báo cáo tại hội nghị (Ảnh: HMC).

Ngoài ra, trong thời gian đầu của đợt bùng phát dịch, việc giãn cách xã hội toàn thành phố có lúc, có nơi còn chưa triệt để. Ông Dương Anh Đức cho hay, còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan, một số ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện kịp thời.

"Một số ca nhiễm do chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyển viện điều trị dẫn đến chuyển nặng, tử vong. Công tác bố trí, điều phối nhân lực chưa hợp lý", Phó Chủ tịch UBND TPHCM phân tích và khẳng định, những tồn tại này đã được khắc phục.

Trong công tác xét nghiệm, sự khác biệt về số lượng "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và dân số giữa các địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm. Nguồn lực để xét nghiệm trong doanh nghiệp, cộng đồng và nhân dân thời gian tới cũng là vấn đề cần tìm hướng giải quyết.

"Đối với việc xét nghiệm người lao động, Bộ Y tế chưa có quy định xét nghiệm với nhiều nhóm như giao nhận hàng hóa, shipper, khiến công tác quản lý cũng bị ảnh hưởng", ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Tiếp tục kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách

Tại buổi làm việc, thay mặt UBND TPHCM, ông Dương Anh Đức nêu ra 3 nhóm kiến nghị chính trong các lĩnh vực y tế, ngân sách, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, TPHCM kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định, tạo điều kiện phát triển nhân lực tại y tế cơ sở. Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở.

Những tồn tại khiến TPHCM bị dịch Covid-19 đả thương - 3

TPHCM kiến nghị bổ sung nhiều loại hình nhân viên y tế cho hoạt động y tế tại cơ sở (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ngoài ra, mức lương cơ bản cũng cần điều chính phù hợp nhằm động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở.

TPHCM cũng nêu ý kiến cần mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế, cần có cơ chế, chính sách cho y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian tới, thành phố cần đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển. Điều này không chỉ góp phần cho sự phát triển thành phố mà còn tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Từ những lý do trên, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16, TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.