1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “thần y” của bản làng

(Dân trí) - Cùng sinh ra và lớn lên ngay tại bản, Hồ Văn Dức (dân tộc Pa Cô) và Hồ Thị Thanh Hoa (dân tộc Cơ Tu) đã phải chứng kiến bao nỗi đau bắt nguồn từ những hủ tục lạc hậu. Và họ quyết đi học để về chữa bệnh cho dân bản.

Tuyên chiến với “ma rừng”

 

Mồ côi từ nhỏ, Hồ Văn Dức, trú xã A Túc, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị, được bà con bản Tăng Cô cưu mang, đùm bọc. Dức lớn lên trong tình thương của bà con dân bản, sau này khi lớn lên, anh luôn ý thức rằng mình phải làm một chút gì đó đền ơn những người đã nuôi mình khôn lớn. Và Dức quyết chọn học làm thầy thuốc để chữa bệnh cho bà con.

 

Ngày đó, cả bản A Túc “trắng” y, bác sỹ và cơ sở y tế khám chữa bệnh cho người dân; bà con cũng chỉ tin vào sự trừng phạt của “ma làng”, “ma núi” và thầy mo, thầy cúng nên khi có người nhà bị đau ốm thì dân bản chỉ chữa bệnh bằng cúng bái. Nhiều người con của bản làng vì bị sốt rét và các căn bệnh khác đã lần lượt ra đi vĩnh viễn không về. Nhưng tư tưởng kính trọng thầy mo, “ma núi” vẫn cứ ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con.

 

Không khí ảm đạm và nghèo đói bao trùm khắp các làng bản của xã A Túc. Dức sớm hiểu rằng, muốn thay đổi hoàn cảnh không có con đường nào khác là phải cố học lấy con chữ và những kiến thức y tế để trở về cứu bản làng. 

 

Trong nỗi nung nấu học con chữ, chàng trai trẻ Dức chỉ biết có băng rừng, vượt núi mong học thành tài đem về khám chữa cho bản. 

 

Năm 1994, Dức vào trường Trung cấp Y tế Huế, sau đó anh tiếp tục học lên Đại học chuyên ngành Đa khoa. Cũng trong thời gian học tại Huế, Dức luôn là một sinh viên giỏi và có nhiều công trình khoa học giành được giải thưởng.

 

Từ khi Dức tốt nghiệp đại học về công tác tại trạm y tế xã, cái xã biên giới nằm ở chót vót đỉnh Trường Sơn này mới thoát khỏi tình trạng “đói” y bác sỹ. Công việc đầu tiên của chàng trai trẻ này là phải làm sao giúp các bản làng xoá bỏ được những tập tục lạc hậu, nhất là trong cách thức chữa bệnh. Vì thế, Dức đã lặn lội đến tận các bản làng, tuyên truyền cho từng dân bản biết tác hại của việc chữa bệnh bằng cúng đơm, bói toán mê tín dị đoan và  đặc biệt khuyên người dân đến trạm y tế để khám chữa bệnh mỗi khi bị đau ốm. 

 

Lúc đầu, công việc vận động của anh gặp rất nhiều khó khăn bởi những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của của bà con. Nhiều người dân và một số già làng, trưởng bản  đã thẳng thừng tuyên bố “đau ốm là do con ma rừng, ma núi trừng phạt, vì vậy phải làm lễ cúng thì ma mới buông tha”. 

 

Không nản chí, Dức thuyết phục bằng cách xin trực tiếp chữa bệnh cho các người dân. Đầu tiên là chữa bệnh cho bà Manh, một con bệnh mà các thầy mo, thầy cúng đều bó tay. Chỉ sau vài ngày điều trị cho thuốc, bệnh của bà Manh đã khỏi.  

 

Không dừng lại việc đó, Dức lại tiếp tục lặn lội đến từng hộ gia đình có phụ nữ sắp sinh, yêu cầu được trực tiếp đỡ đẻ cho từng người. Ban đầu họ không tin nhưng sau khi đỡ đẻ an toàn, mẹ tròn con vuông; bà con càng tin tưởng vào anh hơn.

 

Từ đó, tất cả những gia đình có người thân đau ốm hoặc sinh nở đều tìm đến gọi anh khám. Nhiều đêm khuya, khi bà con gọi, anh lại lội bộ hàng chục cây số đường rừng  để cứu chữa kịp thời. 

 

Đem kiến thức về cứu bản

 

Giống như Dức, chị Hồ Thị Thanh Hoa (trú xã A Đớt, huyện A Lưới, TT-Huế) cũng đã chứng kiến những cái chết không đáng có vì hủ tục, thiếu hiểu biết, thiếu thuốc men ở bản làng. Vì vậy Hoa đã từ chối học sư phạm làm cô giáo, ước mơ cháy bỏng của chị, để theo học nghề y. Tốt nghiệp Trường trung học Y tế TT-Huế rồi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, 7 năm sau, bác sĩ Hoa trở về quê hương để đối mặt với hàng loạt tập tục lạc hậu. 

 

Huyện A Lưới nơi Hoa sinh sống vốn đã phải gánh quá nhiều bom đạn, đau thương của chiến tranh để lại. Nay người dân lại sống trong những hủ tục hết sức lạc hậu nên nhiều người đã phải chết oan ức. Cũng giống như Dức, Hoa lại phải gồng mình băng đèo lội suối, đến tận những bản làng xa xôi chữa bệnh cho bà con. Phụ nữ đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu còn mang nặng những hủ tục như sinh ngồi, sinh gần bếp, tắm ngay sau khi sinh…

 

Một đêm mùa đông giá lạnh, Kăn Lễ 42 tuổi thôn Liên Hiệp xã Hương Lâm bỗng nhiên chuyển dạ quằn quại, máu me đầy người, thầy mo đành chịu bó tay. Thấy an nguy đến tính mạng, người nhà Kăn Lễ đã hoảng hốt chạy đi tìm chị Hoa cầu cứu. Không quản khó nhọc, Hoa đã đạp xe hàng chục km để đến cứu chữa cho phụ sản băng huyết này. Sau nhiều giờ vật lộn với “tử thần”, cả Kăn Lễ và cháu bé đã qua được cơn nguy kịch. 

 

Hoa tâm sự, những căn bệnh phổ biến ở bản làng như sốt rét, tiêu chảy… trước đây hầu như nhà nào cũng có nay thì đã giảm đi đáng kể. Khó nhất là “cuộc chiến” xây dựng nhà vệ sinh cho bà con. Vì từ bao đời nay người Cơ Tu có tập tục đi vệ sinh ở các sông, con suối nên khi vận động ba con xây nhà vệ sinh là rất khó.

 

“Đến cái ăn còn chưa có huống hồ bỏ tiền ra làm nhà xí”. Đó cũng chính là nguyên nhân làm dịch tiêu chảy lây lan mạnh ở A Đớt một thời. Vì vậy, cô bác sỹ trẻ phải đến tận từng nhà vận động bà con làm nhà vệ sinh. Và cứ thế hết nhà này sang nhà khác, cuối cùng Hoa đã thành công. Nhờ đó mà bệnh tiêu chảy giảm hẳn.

 

“Quan trọng nhất là mình góp được chút công sức giúp đỡ bà con xoá bỏ hủ tục, đến trạm xá chữa bệnh”, Hoa sung sướng nói.

 

Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của các “thần y” trẻ như Dức, như Hoa, hiện nay tất cả các gia đình nơi anh chị công tác đã cam kết thực hiện sinh đẻ có kế hoạch và nếp sống văn minh. Đặc biệt, quê Dức 3 năm trở lại đây, số gia đình không sinh con thứ 3 đã chiếm đến 98%; trẻ em các bản làng đều được đến trường học chữ.

 

Dức còn là một trong 5 đại biểu xuất sắc được tỉnh Quảng Trị cử ra Hà Nội tham dự Đại hội biểu dương gia đình hiếu học. 

 

Trần Minh