1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

ĐBSCL:

Những “thần chết” mang tên cần cẩu

(Dân trí) - Thời gian qua ở ĐBSCL liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động vô cùng thương tâm, nhất là vụ sập cần cẩu tại cầu Hồng Ngự 2 làm 3 mẹ con chết thảm. Mới đây trong 25/8 lại xảy ra 2 hai vụ sập cần cẩu làm 3 công nhân tử vong.

Khi “thần chết” mang tên cần cẩu

Người dân ĐBSCL chưa hết bàng hoàng, đau xót sau vụ 3 mẹ con chị Cao Tường Vân (SN 1984, ngụ thị xã Hồng Ngự) tử vong do cần cầu đổ đè vào xảy ra ngày 5/5/2015.

Như tin đã đưa, khoảng 7 giờ ngày 5/5, chị Vân điều khiển xe mô tô chở 2 con là cháu Trần Cao Công Danh (SN 2010) và cháu Trần Ngọc Thảo Vy (17 tháng tuổi), khi lưu thông đến công trình thi công cầu Hồng Ngự 2 thì bất ngờ bị cần cẩu đè trúng, khiến cả 3 mẹ con tử vong.

 

hn1-9cc1c

Hiện trường vụ sập cần cẩu vào ngày 5/5/2015 tại công trình cầu Hồng Ngự 2 làm ba mẹ con chị Cao Tường Vân chết thảm

Chồng chị Vân là anh Trần Đình Trọng quê ở phường 1, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi lấy nhau, vợ chồng anh chị về TP Sa Đéc sinh sống một thời gian. Mấy năm gần đây, vợ chồng anh về quê chị ở phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự để thuê ao nuôi cá.

Qua nhiều vụ nuôi, tuy không giàu có nhưng kinh tế gia đình anh chị đã tạm ổn. Kinh tế khá giả, 2 con khỏe mạnh ngoan ngoãn, anh chị đang ấp ủ rất nhiều dự tính cho tương lai. Vậy mà chiếc cần cẩu oan nghiệt đã lấy đi tất cả.

Thướng tiếc đứa con gái và hai đứa cháu ngoại vắn số, ông Cao Văn Liêm - cha ruột của chị Vân xúc động nói: “Hàng ngày, gia đình cái Vân hay dẫn mấy đứa cháu vô nhà tôi chơi, từ đây về sau tôi vĩnh viễn không còn gặp lại chúng nó nữa. Vụ việc này, thuộc về trách nhiệm của đơn vị thi công công trình không đảm bảo an toàn cho người dân qua lại gần nơi công trình. Đang thi công trước đường giao thông mà không có rào chắn, không chặn xe thì trách niệm thuộc về phía công ty”.

 

Người dân đến viếng, không khỏi đau lòng khi nhìn 3 cái quan tài của ba mẹ con chị Vân đột ngột qua đời vì sự tắc trách của đơn vị thi công.

Chiếc cần cẩu oan nghiệt đã cùng lúc lấy đi sinh mạng của cả 3 mẹ con.

Tai nạn lao động liên quan đến sập cần cẩu làm 3 mẹ con chị Vân tử vong vừa nguôi ngoai thì trưa ngày 25/8 tại công trình cầu Cống Mới (trên Quốc lộ 91, khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), chiếc cần cẩu đang thi công bất ngờ gãy rồi đổ sập xuống, đè bẹp ông Châu Văn Dũng (SN 1974, ngụ ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) làm ông Dũng tử vong tại chỗ.

Cũng trong ngày 25/8, khoảng 16 giờ chiều tại Công ty Việt Thắng, thuộc khu công nghiệp C (TP Sa Đéc) đã xảy ra một vụ sập cần cẩu làm 2 công nhân chết sau khi được đưa đi cấp cứu. Nạn nhân là Hồ Hoàng Vũ (SN 1978, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) chết tại chỗ và nạn nhân Đinh Khắc Vương (SN 1993, ngụ xã Pơng Drang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc) bị tử vong tại bệnh viện.

Theo thông tin ban đầu, Công ty Cổ phần xây dựng Nam Á đang thi công bờ kè sông cho Công ty Việt Thắng. Trong lúc sử dụng cần cẩu để ép các cọc bê tông thì cần cẩu bị cong và đổ trúng 2 công nhân nói trên.

Tiếng chuông cảnh báo

Cũng liên quan đến tai nạn lao động sập cần cẩu, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 18/5/2015 một chiếc cần cẩu đang thi công tại công trình cầu đi bộ nối Bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bất ngờ đổ sập. Rất may trong vụ tai nạn này không công nhân nào thương vong. Tuy nhiên có một điều lạ là trước khi cần cẩu đổ sập, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và đơn vị thi công không đưa ra một giấy tờ nào cần thiết như: giấy phép thi công, phương án đảm bảo an toàn giao thông, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện; các phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm theo qui định…

Xét thấy công trình không đảm bảo an toàn trong lao động, cơ quan chức năng (PC68 – Cảnh sát giao thông đường thủy TP Cần Thơ) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; lập biên bản yêu cầu đơn vị tạm ngừng việc thi công, tuy nhiên đơn vị vẫn tổ chức thi công và đã xảy ra vụ tai nạn nêu trên.

Sau vụ tai nạn, dư luận đặt câu hỏi: Phía sau đơn vị thi công này có ai "chống lưng" không mà dám làm liều như vậy?

 

7-6bb2b
Trong ngày 25/8 tại Cần Thơ, Đồng Tháp liên tiếp xảy ra hai vụ sập cần cầu làm 3 công nhân tử vong (hiện trường tai nạn ở Đồng Tháp làm 2 công nhân tử vong)

Đối với công trình thi công cầu Hồng Ngự 2, sau vụ tai nạn xảy ra, nhiều người dân địa phương phản ánh độ an toàn của thiết bị, cách thức thi công công trình chưa quan tâm đến người dân. Ông Trịnh Đ.C. – một người dân địa phương chứng kiến vụ việc mẹ con chị Vân bị cần cẩu đè chết, bức xúc chia sẻ: “Tôi cũng như mọi người dân sống ở đây thấy rằng công trình thi công không an toàn, nhất là lúc thi công mà không có người báo hiệu cho người đi đường dừng xe lại là quá xem nhẹ tính mạng người dân”.

Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan chức năng, khoảng 7 giờ 45 phút ngày 5/5/2015, đối tượng Huỳnh (tài xế lái cần cẩu làm 3 mẹ con chị Vân tử vong) trực tiếp điều khiển cần cẩu, cẩu bồn chứa xi măng từ trên giá đỡ xuống đất. Trước khi điều khiển cần cẩu, Huỳnh có phân công 3 người khác hỗ trợ cảnh giới.

Tuy nhiên, trong khi không có ai cảnh giới, canh đường, Huỳnh vẫn vận hành cần cẩu và bất ngờ gây ra tai nạn thảm khốc trên.

 

2015528162848-1459e

Ngày nay, khi tuyến quốc lộ 91 được nâng cấp, hình ảnh những chiếc cần cẩu hoạt động như thế này không phải hiếm. Người dân đang lo vấn đề "sức khỏe" của các cần cầu được chăm sóc như thế nào?

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thông tin, trong 3 yêu cầu của một tài xế vận hành xe cẩu thì tài xế Huỳnh chỉ đáp ứng một điều kiện là có đào tạo chuyên môn, còn chứng chỉ huấn luyện an toàn về vận hành phương tiện và văn bản chỉ định là người vận hành thì tài xế Huỳnh không có.

Ông Nguyễn Văn Hai – ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ ngán ngẩm nói: Tôi làm công việc bán hàng phải đi qua nhiều địa phương và trên đường đi thấy nhiều công trình xây dựng, như: cầu, đường, nhà cửa… thấy cần cẩu hú ga, hoạt động sát người đi đường mà chẳng có người cảnh báo. Còn rào chắn công trình thì chỉ vỏn vẹn trong phạm vi công trình do vậy các cần cầu thường vươn cần ra xa 5 -7m so với rào chắn, do vậy, nếu xảy ra sự cố thì làm sao người dân thoát khỏi án tử? Nói thật khi thấy những trường hợp như vậy, tôi dừng xe lại và chờ cho chiếc cần cẩu quay sang nơi khác mới dám lưu thông!".

Liên quan đến vụ tai nạn tại công trình cầu Hồng Ngự 2, ông Bùi Thành Nhơn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp - nêu bất cập trong công tác quản lý: Tại Đồng Tháp hiện nay có nhiều công trình do bộ làm chủ đầu tư, do vậy việc thanh tra, kiểm tra đối với địa phương cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, để giảm tối thiểu rủi ro cho người lao động trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lí, kiểm tra vấn đề an toàn lao động tại các công trình. Nhưng để công việc này đạt hiệu qua cao, giảm rủi ro cho đơn vị, công nhân thì rất mong các đoàn thể ban ngành, nhất là đơn vị sử dụng lao động nghiêm túc thực hiện nội quy lao động, phải đặt vấn đề an toàn cho người lao động lên hàng đầu thì những vụ tai nạn lao động không đáng có mới giảm được.

Và như thường lệ sau những vụ tai nạn lao động xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Nhưng rất ít vụ tai nạn lao động được xử lí tới nơi tới chốn, nhất là về trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công và cả cơ quan quản lí nhà nước có liên quan.

Nguyễn Hành
(haihanh@dantri.com.vn)