Những "sát thủ" tự do gây án
(Dân trí) - Người bệnh cho rằng mình không bị bệnh, còn gia đình, người thân thì thờ ơ, chủ quan, thậm chí hắt hủi, bỏ rơi khiến nhiều người bệnh ngày càng nặng thêm, có những hành động bất thường, gây tổn hại cho xã hội.
Tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa hiện có khoảng 200 bệnh nhân tâm thần được điều trị tại đây, trong số đó có nhiều người không có người thân hoặc người thân đưa đến viện rồi bỏ mặc. Ngoài ra, bệnh viện này đang cấp phát thuốc thường xuyên cho khoảng 2.000 người bị tâm thần phân liệt sống trong cộng đồng.
Bệnh rất nặng mới đưa vào viện
Nhiều người nhà bệnh nhân kém hiểu biết quan niệm người thân của họ bị điên là do... động mồ động mả, do “ma làm” nên thường nhờ đến các “giải pháp tâm linh”. Nhiều năm sau, đến lúc người bệnh đập phá, hành hung, thậm chí giết người, họ mới đưa người bệnh đến bệnh viện. Khi đó việc chữa bệnh đã trở nên rất khó khăn.
Có mặt tại khu nội trú Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, chúng tôi được chứng kiến muôn mặt trạng thái của những bệnh nhân tâm thần. Tất cả họ đều nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn.
Theo bác sĩ Bùi Khắc Tiến, Trưởng khoa Lão khoa, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, hơn 30 năm làm việc tại bệnh viện, ông đã chứng kiến vô số những trường hợp cười ra nước mắt, nhiều lúc cảm thấy mình cũng muốn “phát điên” với người bệnh.
“Những người điều trị nội trú thường là những người khi bệnh nặng mới được đưa vào. Có lẽ do hoàn cảnh khó khăn hoặc ý thức chủ quan của gia đình và chính người bệnh, nên khi vào viện họ hầu như không nhận thức được chính mình. Đặc biệt, những bệnh nhân tâm thần phân liệt, trong đầu óc họ luôn tồn tại một người nào khác ngoài mình. Vì thế khi bình thường họ không sao, nhưng khi “lên cơn” họ lại biến thành một người khác. Lúc này đầu óc họ nghĩ ra cái gì là họ làm cái đó và luôn luôn lo sợ có ai đó trả thù, giết mình. Nên hành vi của họ rất khó lường, nếu không được điều trị sớm sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho cộng đồng” - bác sĩ Tiến cho biết.
Theo bác sĩ Tiến, điều trị cho những người không bình thường như thế này, bệnh viện đã gặp vô vàn những tình huống oái oăm. Có hôm đang đi thăm khám bệnh nhân, đi ngang qua một người bệnh, bác sĩ bị họ nhổ cả nước bọt vào mặt rồi cười khanh khách. Có người trời nóng cởi sạch quần áo chạy khắp khuôn viên bệnh viện, dội nước cả ngày. Có bệnh nhân phát điên đuổi đánh cả bác sĩ và các bệnh nhân khác.
32 năm làm việc tại Bệnh viện Tâm thần, Điều dưỡng trưởng – Khoa lão khoa Trịnh Minh Hùng nhớ không biết bao chuyện vui buồn từ những người bệnh. Ông kể có lần đang đi khám, tiêm phát thuốc cho người bệnh, bất ngờ có một bệnh nhân nữ lao tới ôm cứng lấy ông rồi sợ soạng cả vào vùng nhạy cảm, đòi hôn hít. “Có nhiều bệnh nhân trong cùng một phòng, nếu phát quần áo, cho ăn uống không khéo sẽ sinh ra ghen tỵ, đánh nhau. Có nhiều trường hợp còn đập phá bệnh viện, lật tung cả nhà vệ sinh rồi nhảy xuống hố nước bẩn tắm. Bác sĩ khuyên giải còn bị hắt cả nước vào người” - bác sĩ Hùng nhớ lại.
Còn nhiều người tâm thần sống trong cộng đồng
Được biết hiện nay Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đang cấp phát thuốc miễn phí (mỗi tháng 1 lần) cho những bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt đang sống ở cộng đồng. Đây là dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng – Chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện. Thanh Hóa có 115 xã được hưởng chính sách này với trên 2.000 bệnh nhân đang dùng thuốc.
“Dù có chính sách gì đi nữa, nếu người bệnh không tự nhận mình có bệnh, gia đình và chính quyền địa phương không quyết liệt trong việc đưa người bệnh đi điều trị và có cái nhìn thân thiện, yêu thương gần gũi đối với họ, xem họ như một con người bình thường, thì căn bệnh rất khó khỏi. Đó mới đây chính là “liều thuốc” rất hữu hiệu để người tâm thần hòa nhập cộng đồng” - bác sĩ Bùi Khắc Tiến nói.
Nguyễn Thùy