Những sai phạm khiến ông Lê Tấn Hùng vướng vòng lao lý

(Dân trí) - Ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI), vừa bị bắt tạm giam về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong quá trình điều hành của ông Hùng, SAGRI có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI).

Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Lê Tấn Hùng.

Những sai phạm khiến ông Lê Tấn Hùng vướng vòng lao lý - 1

Ông Lê Tấn Hùng và ông Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của SAGRI bị bắt (ảnh: Nguyễn Dương)

Trước đó, những sai phạm xảy ra tại SAGRI dưới sự điều hành của ông Lê Tấn Hùng đã được Thanh tra TPHCM, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Ông Lê Tấn Hùng cùng kế toán trưởng công ty đã ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động thuộc công ty đi học tập nước ngoài.

Cụ thể, ông Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, tất cả đã tất toán công nợ. Tuy nhiên, khi xác minh tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.

Ông Lê Tấn Hùng bị Chủ tịch UBND TPHCM quyết định kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”. 

Tiếp đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những sai phạm tại SAGRI, trong đó có việc sử dụng sai 1.900ha đất và đề nghị xử lý. Ông Hùng là người chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Đây là nguyên nhân khiến UBND TP tăng “án” kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng từ “khiển trách” lên “cảnh cáo”.

Tháng 2/2019, Thanh tra TP tiếp tục chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.

Ngày 12/6, Chủ tịch UBND TPHCM quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Tấn Hùng. Đến 19/6, ông Lê Tấn Hùng bị cách chức Tổng Giám đốc SAGRI.

Những sai phạm khiến ông Lê Tấn Hùng vướng vòng lao lý - 2

SAGRI xảy ra nhiều sai phạm dưới thời ông Lê Tấn Hùng (ảnh: ANTT)

Trong số các sai phạm tại SAGRI, đáng chú ý là vụ hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú để khai thác dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, với giá trị vốn góp là 28% - quyền sử dụng đất rộng 3,75ha.

Sau đó, SAGRI chuyển nhượng phần vốn góp cho Tổng Công ty Phong Phú với giá 168 tỷ đồng, tương đương 10,5 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, giá chuyển nhượng của SAGRI thấp hơn giá mà Tổng Công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2). Thậm chí, giá chuyển nhượng chỉ bằng 1/3 so với những dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).

Theo Thanh tra TP, SAGRI chuyển nhượng vốn góp 28% (quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) nhưng không qua đấu giá để xác định giá thị trường. Việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh là không đảm bảo quyền lợi cho SAGRI.

SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty con của SAGRI) ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 1.919ha. Chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2015 đến năm 2016, SAGRI đã ký thành lập 3 pháp nhân mới để hợp tác kinh doanh trên diện tích nói trên.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Lâm Nghiệp Sài Gòn – FORIMEX (SAGRI góp 26,21% vốn) còn bán hơn 3,6ha đất trồng cây lâu năm ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với giá 280.000 đồng/m2, trong khi giá thị trường của khu đất là khoảng 3 triệu đồng/m2. Việc này cũng vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Đáng chú ý, SAGRI đã ký 7 hợp đồng hợp tác với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất, gồm 6 cơ sở nhà đất do SAGRI quản lý, 1 khu đất do Công ty Bò Sữa quản lý.

Trong đó, 6 hợp đồng hợp tác thực hiện theo phương thức việc kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định, SAGRI được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất.

Do đó, thực chất của hợp đồng là SAGRI cho thuê lại đất, không đúng quy định của Thủ tướng và UBND TPHCM. Việc ký 6 hợp đồng hợp tác trên các khu đất nêu trên không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TPHCM.

Quốc Anh