Những sai lầm khiến cả ngày làm việc kém năng suất

Thảo Lê

(Dân trí) - Những thói quen buổi sáng có thể tác động đáng kể đến năng suất làm việc một ngày của bạn.

Buộc bản thân dậy sớm

Nhiều người thành công chia sẻ, họ đạt được điều đó là do dậy sớm. Tuy nhiên, Chris Bailey, tác giả cuốn sách "Dự án Năng suất" cho biết, quan niệm bạn phải dậy sớm để thành công là không đúng.

"Chúng ta thường có xu hướng bắt bản thân phải dậy sớm như những người khác. Nhưng đừng quên, mỗi người sinh ra vốn đã khác nhau", anh nói.

Một người thức dậy lúc 10 giờ sáng hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả như một người thức dậy lúc 5 giờ sáng. Điều quan trọng là họ hành động thế nào khi họ tỉnh táo. Vì vậy, theo Bailey, nếu lịch trình của bạn cho phép, hãy sắp xếp thời gian thật hợp lý sao cho bản thân thấy thoải mái nhất. Bạn có thể hoàn thành nhiều công việc hơn trong ngày nếu dành ra thêm vài phút "ngủ nướng".

Bắt đầu ngày mới với "chế độ phản ứng"

Graham Allcott, người sáng lập tổ chức Think Productive và là tác giả cuốn sách "Làm thế nào để trở thành một Ninja năng suất" cho biết, năng suất lao động bị ảnh hưởng phần lớn là do chúng ta bắt đầu một ngày ở "chế độ phản ứng" thay vì "chế độ chủ động".

Theo anh, nhiều người có thói quen thức dậy và ngay lập tức kiểm tra điện thoại, nhưng chính điều đó đã khiến họ rơi vào "chế độ phản ứng". Ngược lại, một khởi đầu chủ động hơn cho buổi sáng sẽ là dành thời gian suy nghĩ về các ưu tiên trong ngày, xem qua lịch và danh sách việc cần làm, sau đó lập kế hoạch.

Nhà văn Laura Vanderkam cũng nhấn mạnh rằng: "Sai lầm lớn nhất mọi người thường mắc phải là bắt đầu ngày mới mà không có kế hoạch rõ ràng cho những gì bản thân dự định sẽ làm".

Những sai lầm khiến cả ngày làm việc kém năng suất - 1
Một ngày mới hiệu quả không có chỗ cho những thói quen xấu. (Ảnh: Getty).

Ăn mặc không chỉnh tề

Theo các chuyên gia, chọn một bộ quần áo phù hợp, lịch sự sẽ có tác động trực tiếp đến hiệu quả làm việc của bạn.

Graham Allcott nhận định: "Mặc quần áo chỉnh tề sẽ giúp ích rất nhiều. Có một thứ trong tâm lý học được gọi là "nhận thức về quần áo" cho chúng ta thấy rằng bộ não hoạt động khác biệt nếu bạn mặc một bộ đồ lịch thiệp".

Các nghiên cứu cũng cho thấy, việc ăn mặc của một người có ảnh hưởng thực sự đến mức độ chú ý mà mọi người xung quanh dành cho họ.

Ôm đồm quá nhiều việc

Khi lướt qua một danh sách dài những việc cần làm, bạn muốn rằng mình sẽ xử lý hết tất cả chúng. Tuy vậy, trong phạm vi có thể, tốt nhất nên hướng tới "đơn nhiệm", Erica Zellner - một huấn luyện viên sức khỏe tại Parsley Health ở thành phố New York cho biết.

Cô giải thích: "Sự đa nhiệm làm giảm năng suất tới 40% và có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến não bộ. Chỉ nên tập trung vào một việc trong một khoảng thời gian nhất định".

Zellner cũng cho biết, quá trình chuyển đổi sang làm việc đơn nhiệm có thể mất một vài tuần để bạn huấn luyện lại bộ não của mình tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể trong thời gian dài hơn.

Không có sự chuẩn bị từ ngày hôm trước

Việc lên kế hoạch, chuẩn bị từ ngày hôm trước có thể tạo ra sự khác biệt lớn về năng suất và giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian hơn.

"Cuối mỗi ngày làm việc, bạn nên liệt kê ra những việc cần làm cho ngày hôm sau. Sau đó, dựa trên các sự kiện cố định trong ngày như cuộc họp, cuộc gọi để lập ra một lịch trình sơ bộ", nhà văn Laura Vanderkam chia sẻ.

Một phần quan trọng khác của việc chuẩn bị cho ngày hôm sau là giấc ngủ chất lượng. Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng, thiếu ngủ làm suy giảm khả năng sàng lọc thông tin cũng như cản trở khả năng làm việc đơn giản và hiệu quả.

Không giữ được sự bình tĩnh

Buổi sáng có thể rất hỗn loạn, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng nhồi nhét quá nhiều công việc. Chris Bailey cảnh báo, cố gắng làm quá nhiều có thể thực sự phản tác dụng.

"Nếu chúng ta bắt đầu ngày mới bằng tâm trạng lo âu thay vì sự chậm rãi, bình tĩnh thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cả một ngày", ông nói.

Bình tĩnh như thế nào lại phụ thuộc vào mỗi người. Bạn có thể nghỉ ngơi trong 5 phút, nhâm nhi một tách cà phê hoặc cùng cún cưng đi dạo.