DNews

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ "vượt bão" năm 2023

Hoài Thu

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng đăng kiểm, cơn bão trên thị trường trái phiếu, nút thắt trong mua sắm thuốc và thiết bị y tế, thực trạng cán bộ sợ sai… là những bài toán khó đặt ra cho Chính phủ trong năm 2023.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ "vượt bão" năm 2023

Chính phủ khóa XV bắt đầu một nhiệm kỳ với hàng loạt thách thức chưa từng có tiền lệ trong các lĩnh vực giao thông, tài chính, y tế, công tác cán bộ... Cho đến 2023 - năm giữa nhiệm kỳ, tưởng chừng khi đã vượt qua được đại dịch Covid-19 mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, song sóng gió vẫn không ngừng đặt ra thử thách cho sự điều hành của Chính phủ.

Tháo chiếc "vòng kim cô" cho hoạt động đăng kiểm

Một trong những thách thức của Chính phủ khóa XV là cuộc khủng hoảng đăng kiểm - khởi nguồn từ cuối năm 2022 và thực sự gây nhiều tác động tiêu cực trong suốt nửa đầu năm 2023.

Chỉ trong 7 tháng, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm với nhiều tội danh khác nhau, theo báo cáo của Bộ GTVT.

Cơ quan này thống kê đến giữa năm 2023 có 68 vụ án bị khởi tố, 103 trung tâm đăng kiểm và 4 chi cục đăng kiểm bị khám xét.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 1

Lực lượng công an khám xét một trung tâm đăng kiểm ở TPHCM (Ảnh: An Huy).

Có lẽ không bao giờ chúng ta nghĩ tới cảnh người dân phải xếp hàng lấy số, thức thâu đêm, mắc võng chờ đăng kiểm như năm vừa qua.

Dân khổ một, doanh nghiệp khổ mười, bởi với hàng loạt đơn hàng không thể trì hoãn trong khi xe đến hạn buộc phải đăng kiểm, họ chỉ còn cách ngậm ngùi chờ xếp hàng hoặc "liều" đi và có thể dính án phạt khi lưu thông trên đường bất cứ lúc nào.

Ngay lập tức nắm bắt vấn đề này, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ.

Lãnh đạo Chính phủ quán triệt trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.

Với chỉ đạo này, Bộ GTVT đã bắt đầu giải quyết nút thắt từ những quy định lạc hậu trong đăng kiểm. Việc sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được đánh giá là thần tốc, thể hiện sự quyết đoán, quyết liệt của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.

Thông tư được ban hành tối 21/3 theo thủ tục rút gọn, được gửi tới các trạm đăng kiểm ngay trong đêm và có hiệu lực ngay từ hôm sau - 22/3.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 2

Các quy định trong Thông tư mới đã tháo được chiếc "vòng kim cô" lâu nay cho hoạt động đăng kiểm, tiếp thu và cập nhật chu kỳ kiểm định của các nước. Theo tính toán, số xe được giãn chu kỳ kiểm định là hơn 3 triệu xe. Chỉ riêng chính sách miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cùng với thời gian, công sức của nhiều người.

Việc có một căn cứ pháp lý rõ ràng, minh bạch và tiến bộ trong bối cảnh hoạt động đăng kiểm đang rối ren, là tin vui cho hàng triệu người dân, doanh nghiệp.

"Liều thuốc quý" giúp ngành y hồi sinh

Với dư âm của đại dịch Covid-19, những khó khăn chồng chất của ngành y tế vẫn kéo dài đến những tháng đầu năm 2023.

Nút thắt lớn nhất vào thời điểm ấy chính là điểm nghẽn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong các bệnh viện. Người bệnh lao đao, khốn khổ vì việc này.

Thậm chí, nhiều cán bộ y tế, lãnh đạo các bệnh viện bộc bạch "không ai dám phá rào cơ chế", vì lo trở thành tội phạm sau này. Với một cơ chế nhiều ràng buộc, trách nhiệm và lương tâm của họ không thể vượt qua.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 3

Nhiều trang thiết bị y tế đắt tiền tại Bệnh viện Bạch Mai "đắp chiếu" trong giai đoạn chưa được tháo gỡ về cơ chế (Ảnh: Tố Linh).

"Các Bộ trưởng có liên quan tạm dừng công việc buổi chiều để tập trung góp ý, sửa, hoàn thiện Nghị định mới để thay thế Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, giải quyết dứt điểm việc khó khăn của ngành y trong việc mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế". Chỉ đạo mạnh mẽ ấy được người đứng đầu Chính phủ đưa ra ngay trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, vào sáng 3/3.

Các lãnh đạo Chính phủ cũng chủ trì nhiều cuộc họp, ban hành công điện chỉ đạo Bộ Y tế rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh.

Ngay trong những ngày đầu tháng ấy, Chính phủ ban hành Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Ngay sau đó, Nghị quyết số 30 của Chính phủ cũng ra đời, sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Việc thí điểm các cơ chế chính sách để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện đặc thù của lĩnh vực y tế cho đến khi các văn bản pháp quy có liên quan được ban hành, đã được Chính phủ quyết định nhanh chóng.

Đây được xem là một quyết định dứt khoát từ cấp có thẩm quyền về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Còn về lâu dài, Chính phủ xác định phải xử lý vấn đề từ gốc, liên quan những quy định trong Luật Đấu thầu.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định Chính phủ, Thủ tướng đã rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách cụ thể để tháo gỡ vướng mắc về mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30 tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cùng Nghị định số 07 về quản lý trang thiết bị y tế, theo bà Lan, đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế. Nhờ đó, hoạt động của các bệnh viện cơ bản trở lại bình thường, nhiều vấn đề được giải quyết.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 4

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

"Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 30 của Chính phủ, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được hồi sinh", theo lời kể của Tư lệnh ngành y tế.

Nữ Bộ trưởng dẫn chứng việc Bệnh viện Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỷ đồng; hoạt động của các bệnh viện tại Khánh Hòa, Quảng Ninh, TPHCM… trở lại bình thường.

Như vậy, nhờ sự quyết đoán, dứt khoát trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, "cục máu đông" làm tắc nghẽn việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã được hóa giải.

Quyết sách chưa có tiền lệ "cứu" thị trường trái phiếu

Từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề.

Tác động này khiến nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như bất động sản, tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 5

(Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Chính phủ đã rất khẩn trương ban hành Nghị định 08, trong đó cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên", Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương nhận định.

Theo ông, sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 6

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng Nghị định 08 là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản hoặc thứ khác. "Điều này chưa từng có, là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường bất động sản", theo ông Lực.

Lưu ý tính liên thông giữa thị trường tài chính và bất động sản, ông Lực cho rằng song song với Nghị định 08, phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường bất động sản. Với hai thị trường này, vị chuyên gia ghi nhận tác động tích cực từ việc người đứng đầu Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua.

Hóa giải bài toán "cán bộ sợ sai"

Một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai… là thực trạng nhức nhối xảy ra sau hàng loạt vụ cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật và vướng vòng lao lý.

Hậu quả của tình trạng này là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm, xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính vì vậy, hồi giữa tháng 4, người đứng đầu Chính phủ đã ban hành Công điện 280 nhằm quyết liệt chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc tại các bộ, cơ quan, địa phương.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện và nhiều lần quán triệt để giải quyết thực trạng cán bộ sợ sai (Ảnh: Đoàn Bắc).

"5 không" là yêu cầu dứt khoát được lãnh đạo Chính phủ nêu rõ trong công điện này.

Một là không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan. Hai là không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác.

Ba là không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác. Bốn là không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Thứ năm, với cơ quan được lấy ý kiến, không được chậm hoặc không trả lời.

Tiếp đó, đầu tháng 10, Chính phủ ban hành Nghị định số 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.  

Góp ý thêm, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy là vấn đề rất quan trọng.

Chính phủ đã có nghị định thể chế hóa bảo vệ người dám nghĩ dám làm, song theo ông Dũng, quan trọng hơn là phải ban hành và công bố quy chế thử nghiệm để sau này, với những nội dung thử nghiệm ấy, nếu có vi phạm quy định, người thực hiện cũng không bị quy trách nhiệm.

"Quy chế này bao gồm thử nghiệm một chính sách mới trong khoảng thời gian, không gian có giới hạn. Kích hoạt cơ chế thử nghiệm mới có thể thúc đẩy sáng tạo, không bị ràng buộc bởi các quy định khác", ông Dũng phân tích.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 8

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).

Ông dẫn chứng các nước như Mỹ, Hàn Quốc, UAE… đều có cơ chế thử nghiệm để có được kết quả trong lĩnh vực đột phá như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, máy bay vận chuyển hàng hóa không người lái…

Vị chuyên gia khẳng định nếu không có cơ chế thử nghiệm rất khó thực hiện những cái mới, cái đột phá, bởi chỉ cần thanh tra vào là rất dễ dính sai phạm.

Về dài hạn, TS Nguyễn Sĩ Dũng góp ý cần cải cách hệ thống pháp luật theo hướng không gian, thể chế cho hành vi sáng tạo rộng hơn bởi nếu mọi quy định đều chi tiết sẽ "không làm được gì cả". "Một nền công vụ sẽ có rủi ro nếu để không gian thể chế quá rộng, nhưng quá hẹp cũng không làm được gì", theo ông Dũng.

Ông nhấn mạnh tư duy lập pháp phải đổi mới, phù hợp với tình hình biến động rất lớn của xã hội.

Theo ông Dũng, nên có nghị quyết của Quốc hội quy định rõ ràng để thúc đẩy dám nghĩ dám làm, gồm ban hành cơ chế thử nghiệm, tuyên bố những nguyên tắc cơ bản của áp dụng pháp luật, lĩnh vực nào ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Tiếp đó, phải dành thời gian, công sức loại bỏ những thứ chồng chéo, xung đột. Để làm tốt việc này, cần có một cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, theo ông Dũng.

"Các bộ ngành chỉ làm chính sách, còn chuyển chính sách thành pháp luật phải do cơ quan làm luật chuyên nghiệp thực hiện, không nên làm mô hình tất cả các bộ đều soạn thảo luật", vị chuyên gia góp ý.

Những quyết sách chưa có tiền lệ giúp Chính phủ vượt bão năm 2023 - 9