Những phụ nữ cuộc sống bắt đầu lúc 0 giờ
(Dân trí) - Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (TP Đà Nẵng) về khuya tấp nập hàng hóa. Đó cũng là lúc những phụ nữ tuổi từ 16 - 70 í ới gọi nhau dậy, nhanh chóng mang quanh gánh chạy đi xin làm cửu vạn.
Lên phố mưu sinh
Chị Trương Thị Hồng và số tiền thu hoạch được sau ngày lao động
Công việc vất vả tưởng chỉ dành cho đàn ông này lúc nào cũng đông phụ nữ tới xin làm. Bởi nó tạm thời, không ràng buộc thời gian và được trả tiền ngay sau giờ làm việc. Riêng chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã thu hút khoảng 200 - 400 cửu vạn nữ mỗi ngày. Họ đến chủ yếu từ huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Không hiểu sao cái nghề nặng nhọc này lại chỉ thấy phụ nữ làm. Quanh âu thuyền Thọ Quang này, nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy các bà, các chị lúi húi gánh gồng. Thời gian làm việc từ 0 giờ đến 17 giờ, nhưng thời điểm dễ kiếm việc nhất là từ khuya đến 5 giờ sáng.
Sống với nghề đã lâu, mái tóc chị Trương Thị Hồng, 55 tuổi bắt đầu pha màu muối trắng của biển cả. Chị là “tay” cửu vạn có thâm niên nhưng mỗi đêm, cơ thể chị không ngừng đau nhức. Chị chia sẻ: “Cực lắm em à, hồi đầu mới làm, chân tay bủn rủn, lê bước như không nổi nữa nhưng làm dăm ba tuần rồi cũng quen. Nghề này cũng kén người lắm. Không nhanh nhẹn, lớ ngớ đứng nhìn mà không chịu tới xin việc là đói cả ngày luôn”.
Nhìn đôi vai gầy guộc, thân hình bé nhỏ của chị Hồng, ít ai biết chị đã gồng gánh hàng chục tấn cá tôm ở khu chợ này. Không hiếm lần, đôi gánh nặng hơn cơ thể, chị ráng đứng dậy, lấy đà rồi lao nhanh về phía nhóm người đang chờ hàng. Chị kể, ở quê làm ăn khó khăn, ruộng vườn lại ít nên các chị em trong làng rủ nhau ra chợ đầu mối làm công nhật, mong kiếm được thu nhập mỗi ngày. Chồng hay đau ốm, nhà lại có 5 miệng ăn, gần như mọi chi phí đều đặt lên đôi vai xơ xác của chị. Tằn tiện chi phí, cuối tháng chị lại về thăm nhà một lần, đưa tiền cho 2 đứa con học trên phố xong chị lại tất tưởi về với công việc của mình.
Mỗi gánh hàng có giá từ 2 - 10 nghìn đồng, tùy quãng đường và sức nặng của từng gánh. Hôm có việc còn thu nhập được 120 - 150 ngàn đồng nhưng có những hôm chạy đôn chạy đáo khắp chợ mà chẳng được mấy người nhận thuê. Vậy là ai kêu bứt đầu tôm, đầu cá là các cô, các chị lại lên đường, không thì tranh thủ rủ nhau nhặt thêm ve chai quanh chợ để bán kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Một góc nhà trọ của những người phụ nữ làm nghề cửu vạn
Trời về chiều, không còn ai thuê việc, nữ cửu vạn lại tất bật bữa tối để ngủ sớm chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. Không ai biết mùi hoa, mùi quà trong ngày 8/3 như thế nào. Thứ họ cần nhất là một giấc ngủ ngon và những đồng tiền chân chính.
Khu trọ cách nơi làm khoảng 400 mét, nằm ngay trong chợ thủy sản, mỗi người đóng 10 nghìn đồng/ngày đêm. Với giá cả phải chăng ấy, mỗi người chỉ đủ chỗ đặt lưng cho giấc ngủ. Trời lạnh, đắp chung chăn, nhiều lúc chung gối cho… đỡ tốn chỗ để. Không quan tâm thời tiết như thế nào, phòng trọ ít cũng phải 7 người, nhiều thì lên tới 20 người, cùng chung 1 nhà vệ sinh, chung nơi tắm giặt. Vài ba người lại chung một chiếc nồi cơm mini, 1 nồi cỡ nhỏ để có thể chung luôn cho việc kho, nấu.
“Ăn cá miết vậy đó em nhưng mà vẫn thèm có được con cá tươi ngon để ăn lắm. Mình làm mướn mà, lấy đâu ra tiền để mua nó, thôi thì tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi”- chị Trương Thị Tâm, 38 tuổi nghẹn ngào.
Giữ bếp củi liu riu cho nồi cá kho thấm đều, hôm nay nồi cá của chị Nguyễn Thị Hồng, 50 tuổi (Thăng Bình, Quảng Nam) suýt thiếu mất ớt tươi nếu không có “đồng nghiệp” gọi cho. Chị tự hào: “Đứa lớn đang học Công nghệ thông tin, đứa kế theo học Mầm non, còn bé út thì đang lớp 6. Cực khổ nhưng nuôi được chúng học hành mà mình thấy vui lây. Đời ba mẹ hi sinh vậy đủ rồi, phải cho con cái nó đến trường đến lớp sau này còn kiếm ngành kiếm nghề”.
Không mâm cỗ, không cần dọn bữa cho tốn thời gian, mỗi người bưng một tô cơm vừa ăn vừa cười nói rôm rả sau một ngày quần quật với công việc. Ai có thêm món ăn lạ thì bưng ra san sẻ cho những người cùng phòng. Có lẽ đó là 15 phút được cười “thả ga” nhất trong một ngày rồi sau đó, không gian lại im ắng dần. Chưa tới 19 giờ, các phòng trong dãy trọ đã tắt hết điện.
“Mệt thật nhưng đặt lưng xuống là lại lo nghĩ đủ điều, kinh tế gia đình rồi con cái học hành nữa. Ngày mai phải cố gắng hơn thôi, chỉ có thế mới tăng thêm thu nhập, gia đình mới bớt cực nhọc được”- chị Tâm rơm rớm nước mắt.
Nguyễn Quỳnh Anh