1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Những phòng thí nghiệm “triệu đô” khắc khoải chờ quy chế

(Dân trí) - Tháng 9/2000, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm với vốn đầu tư bình quân mỗi phòng hơn 4 triệu USD. Đã gần 7 năm nay, do vướng về quy chế, những phòng thí nghiệm “triệu đô” hoạt động kiểu ngắc ngoải, cầm chừng, không phát huy hết hiệu quả.

4 triệu USD cho 1 phòng thí nghiệm

 

Theo Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) - đơn vị được giao chủ trì đề án - hiện có 17/19 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) đã và đang được xây dựng, với 6 lĩnh vực là: công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu; cơ khí - tự động hoá - hoá dầu; cơ sở hạ tầng. Trong đó, có 14 PTNTĐ đặt tại các bộ, ngành và 3 PTNTĐ đặt tại doanh nghiệp.

 

Là những lĩnh công nghệ mũi nhọn, tổng vốn đầu tư cho 17 PTNTĐ là hơn 1.100 tỷ đồng; nghĩa là bình quân đầu tư cho một PTNTĐ là 66 tỷ đồng, tương đương 4,1 triệu USD. Trong số này, PTNTĐ Bể thử mô hình tàu thủy có nguồn vốn đầu tư lớn nhất, lên tới gần 170 tỷ đồng. PTNTĐ Công nghệ hàn và xử lý bề mặt có vốn đầu tư thấp nhất, gần 47 tỷ đồng.

 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, PTNTĐ là một loại hình tổ chức nghiên cứu và phát triển quan trọng, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đi đầu trong triển khai các nghiên cứu cơ bản, quy tụ và bồi dưỡng cán bộ khoa học, công nghệ trình độ cao…

 

Nhưng đến nay, những PTNTĐ “hoành tráng” đó vẫn khắc khoải chờ quy chế hoạt động chính thức.

 

Chờ quy chế

 

Một cán bộ phụ trách PTNTĐ Công nghệ tế bào động vật (Viện Chăn nuôi) cho biết, vì thiếu quy chế hoạt động nên không có cơ chế nào để trả lương, anh em làm việc cho PTNTĐ nhưng vẫn hưởng lương từ phía các bộ môn.

 

Trong báo cáo về hiện trạng các PTNTĐ mới đây, Bộ KH&CN thẳng thắn thừa nhận một số PTNTĐ chưa xác định được rõ “đích” phải đạt được trong hoạt động nghiên cứu, chưa có định hướng phát triển rõ ràng… Do đó, tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn rất hạn chế.

PTNTĐ tuy mang ý nghĩa là một phòng mở nhưng các đơn vị bên ngoài muốn tham gia rất khó vì họ chẳng biết cơ chế hoạt động thế nào. “Ví dụ máy móc Nhà nước giao cho tôi, cán bộ do tôi quản lý nhưng người khác muốn đến làm thì phải như thế nào, dưới hình thức là ký hợp đồng, hay là họ phải ghi vào giấy là tôi đã làm từ ngày này đến ngày này hết bao nhiêu hoá chất và phải thanh toán nó ra làm sao. Hy vọng Nhà nước sớm có một chỉ đạo rõ ràng hơn”, ông này than thở.

 

Cũng theo ông này, để PTNTĐ hoạt động hiệu quả thì quan trọng nhất là hội đồng tư vấn, có nhiệm vụ định hướng. Nhưng những chức danh của PTNTĐ cũng chưa rõ ràng. “Riêng hội đồng tư vấn của chúng tôi chỉ có một vài người của Viện, còn lại là người nơi khác đến. Họ là những “khách mời” theo chế độ cộng tác viên. Thực ra là mời theo kiểu “hữu nghị” thôi, chứ lấy tiền đâu mà trả công cho anh em! Ngay như tôi làm trưởng PTNTĐ nhưng làm gì có lương, cũng không có phụ cấp gì. Tôi chỉ ăn lương của Phó Viện trưởng”.

 

Một cán bộ tại PTNTĐ Công nghệ gien (Viện Công nghệ sinh học) cũng nêu vướng mắc: “Đáng lẽ phải có lãnh đạo, có giám đốc, có hội đồng khoa học,... Nhưng đến nay Bộ Nội vụ đã duyệt cho biên chế nào đâu. Chúng tôi vẫn chờ quy chế chính thức. Hiện nay đã đầu tư xong nhưng kinh phí hoạt động phải trông chờ vào Viện, hoặc các đề tài dự án từ ngoài vào làm”.

 

Một nhà khoa học bức xúc: “Thiếu quy chế hoạt động nên những sản phẩm của PTNTĐ thường phải “đội lốt” một tên khác”.

 

Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo về quy chế tổ chức và hoạt động của PTNTĐ. Nếu được thông qua, quy chế này sẽ là cơ sở để các PTNTĐ “triệu đô” hoạt động hiệu quả hơn, xứng đáng với mức tiền tỷ đã đầu tư vào chúng.

 

Trần Hưng