1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những phát súng oan nghiệt

“Tình huống lúc ấy khiến tôi quá hoảng loạn, không tự chủ được. Bây giờ nói thế nào, tôi cũng đã giết người và vì thế lương tâm tôi không phút nào bình yên...” - Nguyễn Văn Đoạn hối hận nói.

Đây là lần thứ hai phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đoạn, nguyên phó Công an xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, về tội giết người đã phải hoãn do người bị hại và nhân chứng không có mặt. Dẫu vậy, với Đoạn, thời gian tạm giam hơn một năm qua là những tháng ngày tăm tối, đau khổ nhất khi đối diện với tòa án lương tâm...
 
Những phát súng oan nghiệt  - 1

Bị cáo Nguyễn Văn Đoạn được mở còng tay chờ xét xử
 
Ngày 30 Tết năm ngoái, chúng tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh Đoạn run run tra tay vào còng, rơi nước mắt ngoái đầu nhìn về phía những đứa con trước khi lên xe về trại tạm giam. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khi Đoạn được phân công trực chỉ huy công an xã vào ngày 6/2/2008 (30 Tết Nguyên đán). Khoảng 12 giờ 30 phút, khi vừa đốt nén nhang rước ông bà, Đoạn nhận được tin báo ở thửa ruộng của anh Nguyễn Văn Vĩnh, ấp 7, có hàng trăm đối tượng tụ tập đá gà ăn tiền. 
 
Với trách nhiệm của mình, Đoạn đã triển khai một tổ công tác gồm 6 người để thi hành nhiệm vụ. Khi đến nơi, thấy hàng trăm đối tượng đang say sưa sát phạt, Đoạn hô lớn: “Tất cả đứng im!”. Nghe tiếng la, nhiều đối tượng bỏ chạy tán loạn. Đoạn đưa súng lên bắn một phát chỉ thiên nhưng họ không dừng lại mà tiếp tục tháo chạy, trong số đó có những người chạy về phía tổ công tác. Sợ bị tấn công, Đoạn đã nhằm về phía các đối tượng nổ liên tiếp ba phát súng khiến anh Trần Văn Lắm tử vong, Nguyễn Thành Kiệt và Trần Khải Đăng bị thương. Biết mình vừa giết người, Đoạn sững sờ rồi bật khóc. Anh đi thẳng về công an xã giao nộp khẩu súng rồi đến công an huyện đầu thú.
 
Tôi đã từng chứng kiến nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo mang tội giết người, nhưng có lẽ đây là lần đầu tôi cảm nhận được sự ăn năn, dằn vặt đến đau xót, khắc khoải trong ánh mắt của một bị cáo giết người. Trong thời gian chờ HĐXX làm việc, Đoạn cứ cúi thật thấp mái đầu bạc trắng, không dám quay mặt về hàng ghế phía sau để nhìn người vợ gầy yếu và bốn đứa con thơ dù thỉnh thoảng nơi ấy bật lên những tiếng khóc thút thít, tiếng gọi khe khẽ, nấc nghẹn. Khi tôi hỏi: “Vì sao anh lại bắn chết người?”, Đoạn lí nhí: “Thật tâm, không bao giờ tôi muốn như thế. Chỉ là tình huống lúc ấy khiến tôi quá hoảng loạn, không tự chủ được mình. Bây giờ nói thế nào thì tôi cũng đã giết người và vì thế mà lương tâm tôi không phút nào bình yên...”.
 
Một bà cụ hàng xóm của Đoạn nói với chúng tôi: “Nó (Đoạn) bị bắt rồi nhưng ở xóm không ai không nhớ đến nó. Nó hiền lành, không ngại cực khổ, lại năng nổ làm việc. Ban ngày làm việc ở trụ sở công an xã, ban đêm nó cùng du kích đi tuần cho bà con ngủ yên, vậy mà... Tội nghiệp quá...”. Nói đến đây, bà cụ đưa tay quệt nước mắt và câm lặng nhìn Đoạn thật lâu.

Phiên tòa thông báo tạm hoãn. Trong vụ án này tất cả bị hại đều không nêu yêu cầu gì vì gia đình Đoạn đã chạy vạy khắp nơi, vay hàng chục triệu đồng để khắc phục hậu quả. Thêm vào đó, cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang chỉ cáo buộc bị cáo giết người trong lúc truy bắt các đối tượng và vũ khí mà bị cáo sử dụng được cơ quan chức năng cấp phép; bị hại Nguyễn Thành Kiệt cũng từ chối giám định.

Đoạn lại bị đưa lên xe về trại giam. Quay vội lại nhìn vợ con một thoáng, Đoạn nói lớn: “Các con cố gắng học hành cho tốt. Một năm qua tòa án lương tâm đã xử ba rồi”. Chiếc xe chở Đoạn hú còi chạy mất hút từ lâu, trên sân tòa, vợ con Đoạn vẫn còn đứng thẫn thờ. Vụ án chưa được xét xử, ngày về của Đoạn vẫn chưa biết khi nào... 
 
Theo Người lao động