1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Những phận người mưu sinh trong giá rét

(Dân trí) - Đằng sau cái không khí náo nhiệt những ngày giáp Tết, còn rất nhiều con người vẫn đang rong ruổi với những gánh hàng rong trên vỉa hè, đường phố giữa tiết trời lạnh thấu da thịt.

Dạo một vòng quanh các con đường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa vào lúc 23h đêm mới cảm nhận hết nỗi vất vả của những người dân nghèo phải mưu sinh lúc nửa đêm. Những ngày qua, nhiệt độ về đêm thường xuống dưới 10 độ C, cái lạnh như chà sát vào da thịt, nhưng trên những vỉa hè, góc phố, vẫn thấp thoáng những người phụ nữ, những cụ già ngồi co ro bên những nồi ngô luộc, gánh hoa tươi hay những quán chè nóng... Họ cố nán lại chống chọi với cái rét mong kiếm thêm những đồng tiền ít ỏi.
 
Những phận người mưu sinh trong giá rét - 1
Ngồi bán hàng giữa trời giá rét

Dọc các tuyến đường Nguyễn Trãi, Phan Châu Chinh, Biên Hòa của thành phố Thanh Hóa, rất đông những người bán hoa hay các cụ già bán bánh đon đả mời chào khách qua đường nhưng hiếm ai dừng lại mua. 

Thời tiết lạnh giá nên hàng ngô, khoai nướng hay quán bánh nóng thường đông khách và rôm rả hơn. Khi trời đã về khuya, những người bán hàng rong tụ lại bên bếp lửa chỉ còn than hồng, râm ran kể cho nhau nghe về câu chuyện gia đình để vơi đi cái giá lạnh của màn đêm.
 
Những phận người mưu sinh trong giá rét - 2
Vừa dọn hàng vừa co rúm lại vì cái lạnh
 
Chị Thiều Thị Thương, một người bán ngô nướng quê ở huyện Thiệu Hóa chia sẻ: “Ban ngày bận đi làm đồng, tối đến lại chuẩn bị bếp than và ngô, khoai để đạp xe lên thành phố bán. Gần về tết nên đông khách hơn mọi khi, có hôm mãi hơn 2h sáng tôi mới về nhà, đêm nào đắt khách cũng được 30 đến 40 nghìn”.
 
Đường phố về đêm mờ ảo trong ánh đèn, trong khi nhiều người đang cuộn chặt trong chăn ấm ngủ thì tại những bến xe khách, hay điểm dừng đón xe bus, hình ảnh những bác xe ôm khoác trên mình chiếc áo đi mưa, ngồi co rúm, run rẩy để đợi khách. Thời điểm này, nhiều chuyến xe khách chạy đêm, đặc biệt là tuyến Nam - Bắc nên cứ gần sáng có nhiều người đi xe hơn. Những ngày giáp tết này họ làm cả đêm, thỉnh thoảng mới chợp mắt ngủ nhưng khi có xe trả khách là họ lại nhanh chóng chạy ra chào mời khách đi xe.
 
Những phận người mưu sinh trong giá rét - 3
 Những hàng bánh nóng luôn hút khách về đêm
 
Trời đã dần về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp, cái lạnh như càng se sắt hơn, nhưng không hề tĩnh lặng, khắp các con đường, ngã phố, đây đó vẫn còn í ới tiếng người bán kẻ mua xen lẫn tiếng cót két của những xe hàng rong của các mẹ các chị. Những cụ già gánh đầy hoa quả và vài thứ lặt vặt nặng nề bước đi tiếp tục cuộc hành trình mưu sinh trên phố.
 
Dọc tuyến quốc lộ 47, ven đường lân cận các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn… những bác vá, sửa xe, quán nước chè hay những gánh hàng rong nóng hổi vẫn chưa dọn hàng. Trời lạnh quá họ lại nhặt vài ba que củi khô hay lấy vài tờ giấy báo đốt để sưởi ấm.
 
Những phận người mưu sinh trong giá rét - 4
 Những bác xe ôm ngồi co ro đợi khách

Cụ Hồng, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng đêm vẫn đi bán nước chè kiếm sống. Cụ tâm sự: “Giờ già rồi, ban ngày rét mướt cũng chẳng làm được việc gì nên cứ tối đến lại tranh thủ nấu mấy ấm chè rồi nhờ thằng cháu đưa ra đây ngồi bán, đến đầu sáng nó lại ra dọn hàng chở về giúp bà. Con cháu đứa nào cũng vất vả, mình không muốn thêm gánh nặng cho các con nên cũng tự kiếm đồng tiền mua cau trầu hay chút thức ăn cho qua bữa”.

Dù trời lạnh nhưng cụ vẫn hóm hém nụ cười khi có người đi đường dừng lại uống nước. Tuy đã khuya nhưng thi thoảng cũng có vài người qua đường vì trời lạnh nên ghé vào uống cốc chè nóng, mấy bác xe ôm lúc rảnh khách vẫn sang uống nước ở hàng cụ, trò chuyện cùng để bớt hiu quạnh.
 
Những phận người mưu sinh trong giá rét - 5
Đội rét đi bán hàng rong

Bà kể: “Bán nước ở đây lâu rồi cũng thành quen, về đêm thì người tốt, người xấu cũng có, gặp những người đói khát, lỡ đường lúc khó khăn mình giúp được họ cứ giúp, kể cả có đêm không kiếm được đồng nào thì về nhà mình còn có bát cháo mà ăn, chứ như họ thì tội lắm”.

Đêm càng về khuya càng ngập tràn hơi lạnh, những đợt mưa phùn làm cho bầu không khí lại càng trở nên se sắt hơn. Những người bán hàng run lên mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Ai nấy đều bảo nhau cố bán hàng đến hết đêm 29, ngày 30 về dọn dẹp nhà cửa, mua sắm tết cũng chưa muộn. Đọng lại sau câu nói của họ là những tiếng thở dài bởi gánh nặng cuộc sống mưu sinh.

Cao Tuân - Duy Tuyên