Đắk Nông:

Những phạm nhân say sưa đọc sách trong thư viện

(Dân trí) - Với những phạm nhân đang thụ án thì khoảng thời gian đọc sách chính là lúc để họ học hỏi, tích lũy kiến thức, chuẩn bị hành trang cho con đường hoàn lương. Đọc sách cũng là cách những người từng lầm lỗi này “gột rửa lại tâm hồn”.

Đến thăm thư viện Trại giam Đắk P’lao (Tổng cục VIII, Bộ Công an), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến rất nhiều phạm nhân đang mải mê, chăm chú đọc sách báo. Theo Trung tá Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám thị Trại giam Đắk P’lao, từ lâu, việc lên thư viện đọc sách đã trở thành thói quen, một công việc hàng ngày của các phạm nhân đang cải tạo tại trại giam này.


Sinh hoạt văn nghệ để đả thông tư tưởng cho các phạm nhân

Sinh hoạt văn nghệ để đả thông tư tưởng cho các phạm nhân

“Việc hình thành thói quen đọc sách cho phạm nhân sẽ góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Với những người lầm lỗi thì việc đọc sách không chỉ là công việc giải trí mà còn giúp họ hiểu thêm về các chế độ, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, qua đó có thêm động lực, hướng phấn đấu cải tạo”, Trung tá Thanh nói thêm.

Vào tù được hơn 2 năm nay, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà Trần Thanh Phong (SN 1995, quê Bình Phước) phải trả giá bằng tháng ngày thanh xuân phía sau song sắt. Anh tâm sự, những ngày đầu mới vào trại, tư tưởng hoang mang, tuyệt vọng nên nhiều lúc cảm thấy cuộc đời như đã chấm hết. Thế nhưng nhờ sự giúp đỡ của cán bộ trại giam, thầy cô giáo thì từ người mù chữ, bây giờ Phong đã biết đọc biết viết, tinh thần cũng phấn chấn, vui vẻ hơn.

Nam phạm nhân cho biết, sau thời gian lao động, anh lại rủ một số anh em vào thư viện đọc sách, báo. Ban đầu Phong chủ yếu đọc truyện để giải trí vì không đủ kiên nhẫn để đọc những trang sách dày đặc chữ nghĩa. Phải mấy tháng sau, anh mới tập làm quen với những cuốn sách dày cộp.

“Do thiếu hiểu biết mới vướng vào chốn lao tù nên tôi chọn mấy cuốn sách pháp luật để đọc. Đối với những người như tôi, thực sự để hiểu hết cuốn sách nói gì thì không thể, phải cố gắng đọc đi đọc lại mới hiểu được một vài phần. Đọc rồi mới biết, pháp luật nước mình chặt chẽ, nghiêm minh nhưng cũng rất khoan hồng, nhân đạo”, Phong chia sẻ.


Trại giam Đắk P’Lao còn hình thành thói quen đọc sách, giúp các phạm nhân chuẩn bị hành trang hoàn lương

Trại giam Đắk P’Lao còn hình thành thói quen đọc sách, giúp các phạm nhân chuẩn bị hành trang hoàn lương

Qua những trang sách, có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất trong phạm nhân Trần Văn An (SN 1976, quê Nam Định) là điều chân thật, giản dị đến từ cuộc sống đời thường, là những tấm gương biết làm lại cuộc đời sau khi lầm lỡ. Mấy năm nay, khát khao tự do, làm lại cuộc đời càng thôi thúc phạm nhân này đọc sách mỗi ngày.

Ông An tự nhắc nhở bản thân: “Hơn nửa đời người, phần lớn là những ngày tháng quay cuồng bên ma túy, rồi vào tù ra tội, nhưng đến khi đọc sách biết được nhiều tấm gương từng lầm lỗi vươn lên làm giàu chính đáng, mình cũng ham lắm. Bây giờ ngày nào tôi cũng tìm đọc mấy sách hướng nghiệp, liên quan đến trồng trọt, nuôi ước mơ có một mảnh đất trồng cam, quýt sau khi mãn hạn tù”.

Khác với hai phạm nhân trên, biết đến thư viện trong thời gian cải tạo tại trại giam, phạm nhân Đỗ Minh Trung (SN 1984, quê Quảng Bình) lại có thói quen đọc sách từ những ngày tự do. Khi vào tù, biết trong này có thư viện để phạm nhân đọc sách báo, anh Trung rất vui mừng vì tìm được thứ để “giết thời gian”.

Theo chia sẻ của phạm nhân này, lúc trước anh chỉ đọc sách chuyên môn nhưng khi vào đây, được tiếp cận với nhiều loại sách khác nhau, anh mới thực sự được mở mang đầu óc. Thầy giáo dạy toán cho biết: “Lần đầu đọc những cuốn sách văn học, đó chỉ là cách để giải trí, nhưng càng đọc lại càng thấy ẩn sâu trong đó những giá trị nhân văn, những triết lý từ cuộc sống đời thường. Có lẽ mấy năm nữa khi mãn hạn tù, tôi cũng đọc được hết số sách văn học trong trại giam này”.

Ở Trại giam Đắk P’lao, để đáp ứng nhu cầu đọc của phạm nhân, ngoài việc giáo dục, dạy chữ Ban giám thị Trại giam còn trang bị hàng ngàn đầu sách khác nhau, trong đó phần lớn là sách hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống và sách tiểu thuyết, văn học. Sau những giờ lao động, tất cả phạm nhân đều được tạo điều kiện đến thư viện đọc sách, báo.

Trung tá Nguyễn Quốc Thanh cho hay, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương khoan hồng, quan tâm, tạo điều kiện cho những người lầm lỗi được sửa chữa sai phạm, thay đổi nhận thức để hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường. Vì vậy, việc hoàn thiện tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh thông qua những trang sách, bài báo là việc làm hết sức ý nghĩa đối với mỗi phạm nhân.

Được biết, đều đặn mỗi quý, đơn vị này đều phối hợp với Thư viện tỉnh Đắk Nông luân chuyển, bổ sung các đầu sách mới như sách tuyên truyền, sách chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sách hướng nghiệp, dạy nghề… Trại giam cũng luôn khuyến khích gia đình gửi những cuốn sách, báo phù hợp, có ý nghĩa để phạm nhân đọc, nâng cao hiểu biết.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Đắk P’Lao khẳng định thêm: “Ngoài việc tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ thì việc hình thành thói quen đọc sách cho phạm nhân còn là cánh cửa mở lối tương lai, định hướng nghề nghiệp cho họ ngay khi mãn hạn tù. Khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, họ sẽ hành động, ứng xử chuẩn mực, sớm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Dương Phong