1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những ông bố ngoại quốc và những đứa trẻ “vô thừa nhận”

(Dân trí) - Những cuộc hôn nhân không tình yêu, những rào cản về xã hội, văn hóa, ngôn ngữ… không những đẩy các cô gái trẻ ở miền Tây đi vào ngõ cụt mà còn kéo theo hệ lụy là hàng trăm đứa trẻ “vô thừa nhận”.

Những chuyện buồn không hồi kết

Những ngày này trời miền Tây nắng như đổ lửa, phóng viên tìm về nơi những cô gái trẻ ở đây bỏ xứ theo chồng với ước muốn sẽ giàu có, sung túc nhưng sự thật diễn ra lại đắng cay, tủi nhục vô cùng.

Bé T. theo mẹ về Việt Nam ở với ông ngoại đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh.

Bé T. theo mẹ về Việt Nam ở với ông ngoại đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh.

Cao Thế Duy, cái tên rất giống đàn ông ấy là của một cô gái trẻ từng bước theo chồng về xứ Đài Loan. Nhà Duy ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Năm 2010 Duy lấy chồng về xứ người theo sự mai mối của người quen. Năm 2012 Duy sinh con trai đặt tên tiếng việt là Cao T., tiếng Đài Loan là Jay Chou.

Sau khoảng thời gian sống ở xứ người, Duy phải làm việc đầu tắt mặt tối nhưng người chồng thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Cuộc sống quá đau khổ, tủi hờn nên Duy tìm cách mang con trốn về quê mẹ. Mặc dù đã về Việt Nam, cháu T. giờ đã 4 tuổi nhưng vẫn mang quốc tịch Đài Loan.


Ông Cao Văn Huyện tiếp xúc với PV Dân trí (thực hiện: Phạm Tâm)

Ông Cao Văn Huyện, cha của Duy cho biết, sau khi con gái và cháu ngoại ông về quê sinh sống, ông đã đến các cấp chính quyền địa phương để báo cáo về sự có mặt của bé T. Sau đó Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang có cho cán bộ xuống hướng dẫn làm giấy khai sinh cho bé nhưng tới giờ vẫn chưa làm được và bảo khi nào có lệnh làm thì sẽ điện báo. Nhưng từ đó tơi nay, thời gian trôi qua gần 2 năm nay mà sự việc vẫn chưa được giải quyết.

“Gia đình chúng tôi mong mỏi làm được giấy khai sinh cho cháu vì cháu tôi đã gần 5 tuổi  mà chưa được học mẫu giáo ngày nào nên buồn lắm cô ạ”, ông Huyện buồn rầu nói.

Tương tự hoàn ảnh của Duy là chị Từ Thị Muội ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị lấy chồng Hàn Quốc năm 21 tuổi. Năm 2010, chị và con trai là cháu Hong Dae Jun, tên Việt Nam Hồng Đ.T. (8 tuổi) trở về Việt Nam sinh sống.

Bé T. theo mẹ về Việt Nam ở với ông ngoại đã 3 năm nay nhưng vẫn chưa làm được giấy khai sinh.
Anh Tư Văn Quê, cậu ruột của bé T. trăn trở bên tập hồ sơ đi xin làm khai sinh cho cháu đã mấy năm nay mà chưa được

Tiếp chúng tôi, anh Từ Văn Quê, anh trai của chị Muội, buồn rầu nói: "Cứ nghĩ lấy chồng Hàn Quốc rồi sẽ hạnh phúc, giàu có, ai ngờ sang bên xứ người làm vợ làm dâu người ta đã khổ lại còn bị đánh đập thường xuyên, chịu không nổi nên sau 4 năm làm dâu đất khách, Muội xin quay về Viêt Nam theo sự chấp thuận của gia đình chồng.

Khi về đến Việt Nam, gia đình cũng đến cơ quan chức năng làm giấy khai sinh cho cháu Trương, nhưng hết lần này tới lượt khác vẫn không làm được do thiếu giấy tờ. Sau đó Muội đã gọi điện sang Hàn Quốc xin mọi giấy tờ của bé T. để trình Sở Tư pháp nhưng từ đó đến nay bé T. vẫn không có giấy khai sinh".

Không giấy khai sinh thì không thể đến trường

Tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Thanh Phong – Trưởng phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang - cho biết, theo thống kê của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 trẻ theo mẹ về Việt Nam sinh sống chưa có giấy khai sinh.

“Hiện Sở Tư pháp đã kính đề nghị Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực của Bộ Tư pháp có hướng dẫn rõ hơn cho các trường hợp về đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài. Vì theo quy định của pháp luật trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài, được đăng ký khai sinh tại Việt Nam (theo quốc tịch đã ghi trong hộ chiếu) thì không được nhập hộ khẩu, trường hợp này cũng gặp khó khăn trong việc học của trẻ em có yếu tố nước ngoài”- ông Phong cho biết.

Còn theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, có 148 em trong độ tuổi đi học. Hiện nay nhu cầu được đến trường của các cháu rất lớn nhưng về nguyên tắc nếu muốn được nhập học bắt buộc học sinh phải có giấy khai sinh và hộ khẩu thường trú.

Cháu T. mong ước có tờ giấy khai sinh để được đến trường.

Cháu T. mong ước có tờ giấy khai sinh để được đến trường.

Ông Châu Phước Đại – Hiệu trưởng Trường tiêu học Vị Thủy 2 - nói: “Hiện trường có nhận em Hồng Đ.T. (8 tuổi) vào học lớp 1, nhưng phải chờ gia đình bổ sung giấy khai sinh. Trong trường hợp không làm được giấy khai sinh, quá trình học tập của các em chỉ được theo dõi, ghi nhận rồi để đó, chứ nhà trường không dám lập hồ sơ, vì điều này sai với quy định. Nếu các em học tốt vẫn được lên các lớp tiếp theo, nhưng cũng chỉ là chuyện nhà trường ghi nhận, rồi cho học, chứ trên thực tế không có cơ sở để xác định các em đã lên lớp hay không”.

 Được biết, hiện Sở Tư pháp tư vấn cho những gia đình có mang giấy khai sinh về Việt Nam thì dịch ra tiếng Việt, có chứng thực của cơ quan chuyên môn để tạm thời được đi học. Riêng trường hợp không mang về thì phải đến cơ quan Tổng lãnh sự tại TPHCM để nhờ trích lục lại và xác nhận.

Tuy nhiên, với nhiều người, việc tìm lại những giấy tờ kể trên chẳng khác gì “mò kim đáy biển”. Như trường hợp của chị Trần Thị Thắm (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp) sau thời gian bị nhà chồng (Đài Loan) đối xử tệ bạc, chị đã cùng con trốn về Việt Nam. Với chị trốn về được Việt Nam đã là mừng lắm rồi, đâu dám nghĩ đến việc mang theo giấy tờ liên quan.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có gần cả hàng ngàn trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, nhiều nhất là lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc…

Một lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang cho biết, lấy chồng nước ngoài là cả một quá trình dài hơi, các chị em phải học rành rõ ngôn ngữ nước bạn, rồi phải tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán, những lễ nghi bên nhà chồng… Đặc biệt, trước khi “bước chân đi” các chị em phải nắm thông tin và liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, để khi có chuyện xảy ra họ sẽ can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, hầu hết các chị em đều mù tịt, nên chuyện hôn nhân đổ vỡ, hạnh phúc nát tan là điều khó tránh khỏi. 

Phạm Tâm