1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người “vớt xác ma”

(Dân trí) - Cũng lạ, trên sông Lam có không biết cơ man nào là thuyền bè làm nghề chài lưới, nhưng không biết vì lẽ gì, như là sự run rủi của số phận hay sự phân công màu nhiệm của đất trời, lại chỉ có đại gia đình này gắn bó với nghề “vớt xác ma” lâu đến thế: 25 năm.

Đại gia đình vớt xác

 

Nơi ngụ cư của đại gia đình này nằm mấp mé trên một gò đất sát bờ nam sông Lam, chỉ cách cầu Bến Thuỷ chừng một cây số, thuộc khối 1 thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Hàng chục năm nay, người dân các vùng sông nước Nghi Xuân, Xuân Thành (Hà Tĩnh), Bến Thuỷ, Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Hội (Quảng Bình)… đều biết đến tiếng đại gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt cùng 8 người em, đã vớt hàng trăm xác chết trên sông mang về cho thân nhân họ khâm liệm, chôn cất.

 

Tôi hỏi chị Nguyệt, người chị cả của đại gia đình ba đời gắn bó với sông nước, đã vớt được bao nhiêu người, chị lắc đầu: “Nỏ nhớ mô, ai lại đi thống kê những cái đó mần chi. Cái nghề vớt xác đến với tui vào một ngày ngẫu nhiên khi một người đàn ông nhờ gia đình tìm xác vợ chết đuối mất xác. Khi tìm được, người ta trả cho gia đình tui chục cân gạo gọi là cảm ơn. Từ đó, tiếng lành đồn xa, mỗi khi gia đình nạn nhân biết tin người nhà mình tự tử trên sông Lam, họ lại nhờ cậy đến gia đình tui”.

 

Vớt xác trên sông là một công việc đặc biệt, nó đòi hỏi những kỹ năng… không giống ai. “Nắm bắt được quy luật dòng chảy và thuộc các vị trí xung yếu trên từng đoạn sông, từ đó tiên đoán chính xác nạn nhân nằm ở đâu, sâu hay cạn… thì vớt xác mới được”, chị Nguyệt lấy kinh nghiệm nằm lòng chia sẻ: “người sắp chết đuối thường quẫy đạp rất quyết liệt để giằng co giữa sự sống và cái chết theo phản xạ. Vào mùa nước lên, xác thường bị cuốn trôi khỏi điểm rơi chừng một trăm mét mới chìm, còn những người nước di ra biển, khoảng cách này là 50 mét”.

 

Nghề tìm xác trên sông chỉ trông chờ vào một dụng cụ đơn giản và hiệu quả. Đó là dây câu vuông với vô số lưỡi câu sắc nhọn thả hờ. Dụng cụ này được mắc vào hai chiếc thuyền giăng ngang quanh khu vực nghi là có xác, thả tay câu vuông ấy xuống, kéo tới kéo lui, không phải vài giờ đồng hồ mà có khi mất 3, 4 ngày trời.

 

Nếu gặp xác, lưỡi câu mắc vào áo quần, da thịt người chết, họ kéo nhẹ xác chết đến gần thuyền rồi nhảy xuống, buộc xác chết vào dây thừng, kéo vào bờ, đưa lên cho người nhà khâm liệm. Nhưng đó là xác chết mới. Với những xác chết đã lâu ngày, trương phình, thối rữa, “chỉ đụng nhẹ vào là da thịt nạn nhân rã ra như một tờ giấy bị ngâm nước lâu ngày, mùi hôi không thể chịu được… khi về đến nhà không dám ngồi ăn cơm cùng gia đình”, một người em của chị Nguyệt rùng mình.

 

Khi tôi hỏi về khoản “bồi dưỡng”, chị Nguyệt xua tay: “Không bàn tới chuyện đó. Gia đình tui chỉ sống bằng nghề chài lưới. Vớt xác chỉ là công việc làm phúc làm đức thôi. Ai thương thì bồi dưỡng. Ai “quên” cũng được. Nếu tui làm nghề ni mà lại nghĩ đến tiền e trong nhà chừ đầy đủ rồi chớ sao lại nghèo xơ nghèo xác như ri. Đúng rứa không?”.

 

Thời khắc “vinh quang” nhất trong nghề của gia đình “vớt xác ma” có lẽ là thời điểm cách đây 3 năm, khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An dùng ôtô sang mời anh em nhà chị lên tận làng Rào tìm kiếm và vớt xác 13 nạn nhân chết do chìm đò.

 

Rùng mình nhưng… không sợ

 

Chị Nguyệt kể lại: “Đáng nhớ nhất với tui là lần vớt ông Khánh phường Bến Thuỷ vào đúng ngày rằmg tháng Giêng năm Bính Tuất. Xác chìm bốn ngày bốn đêm không thấy. Đến ngày thứ năm mới nổi cách trụ sáu cầu Bến Thuỷ chừng hai trăm mét. Tui bơi thuyền ra đến nơi, khoả tay nắm lấy tóc người chết định lôi lên. Tức thì cả mảng da đầu bị bóc theo, rụng lả tả. Không còn cách nào khác, tôi xuống thuyền, bơi lại gần cái xác, day qua day lại, tỷ mẩn lựa thế luồn sợi dây thừng quàng ngang quàng dọc từ lưng xuống chân và cẩn thận “lai” cái xác về phía thuyền rồi đưa vào bờ. Phải chậm rãi nâng nhẹ từng bước vì chỉ cần kéo nhẹ là thân thể cái xác tơi tả hết”.

 

Một người em của chị Nguyệt cho biết: “Chuyện vớt những cái xác thối rữa, thậm chí không còn lành lặn với bọn tui không phải là ít gặp. Không thể nói là không rùng mình nhưng nhìn những người thân của họ đang đau đớn, lòng chúng tôi cũng không yên nên bằng mọi cách để chia sẻ với họ. Nếu sợ, chúng tôi đã không làm. Nếu ai cũng sợ, cũng từ chối thì những người gặp nạn, những người xấu số biết trông vào ai?.

 

Mấy năm trở lại đây, người ta hay đứng trên cầu Bến Thuỷ để nhảy xuống sông Lam tự tử lắm. Từ Tết đến chừ, ở quanh khu vực ni tôi đã vớt được bốn người. Răng người ta dễ chết rứa?”, chị Nguyệt ngậm ngùi.

 

Lênh đênh đời sông nước

 

Tôi đến nhà chị Nguyệt vào một ngày gió nổi, sông Lam mịt mù mưa giăng nhưng nghe Đạt bảo chị xuống thăm lưới chưa về. “Mẹ vừa phải vào viện, mấy chú làm nghề vớt xác trên sông Lam đánh vì cho là mẹ hành nghề “phá giá”. Mẹ con cứu người chứ đâu lấy tiền. Răng họ ác rứa chú hè? Vào viện được mấy ngày mẹ lại trốn về vì nhà không đủ tiền trang trải viện phí. Răng mẹ con khổ hoài, chù hè?”.

 

Những câu hỏi có phần ngây ngô của một cậu bé 16 tuổi bị học chậm mất ba năm vì theo gia đình lênh đênh trên vạn đò, như cứa vào lòng chúng tôi nỗi xót xa.

 

Gặp chị, hỏi sao phải vất vả đi giữa mưa gió như thế, chị cười: “Mùa ni cá bán được giá, tui tranh thủ bán thêm mấy đồng để đóng học phí cho nó. Kỳ rồi nó được học sinh tiên tiến. Tui đã khất trường ba lần rồi, thẹn hè. Tui thất học, đến chữ ký cũng nỏ biết. Chỉ mong nó học hành nên người chứ tui khổ mấy cũng chịu được”.

 

Có lẽ cái câu “ở hiền gặp lành” như không hợp với những con người này. Người đời “ban” cho họ cái “biệt tài” cứu người nhưng đến nay, cả gia đình vẫn nghèo xơ xác. Trong ký ức của những con người này, những khốn khó của cuộc sống sông nước vẫn cứ hiển hiện rõ mồn một. Hồi đó, có tháng cả nhà suýt chết đói. Nay tuy đã lên bờ cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao khi đại gia đình vẫn kiếm ăn bằng nghề chài lưới. Ba mươi con người trông chờ vào mấy chiếc thuyền nan nhỏ bé, thỉnh thoảng, vẫn phải chạy lũ khi sông Lam gào thét.

 

Đã bốn năm nay mẹ con chị cùng những người em chia nhau ở trong những căn nhà che bằng ván cót, lợp tôn thấp lúp xúp. Mỗi căn chỉ đủ rộng để kê một chiếc giường con và cái bàn học, còn lại tất cả đồ đạc được mang ra ngoài sân “cho nó tiện”. Khi chúng tôi đến, nền nhà bằng đất vẫn nhão nhoét sau cơn mưa đột ngột đêm qua. Những tấm dầu lót trần đã thủng lỗ chỗ, đôi chỗ rách bươm…

 

Trong căn nhà trống toang hoác của chị Nguyệt, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp của cháu Đạt. Chị nói đó là món quà của một nhà báo ngoài Hà Nội gửi tặng để cháu đi học sau một lần gặp chị viết bài.

 

Sau bao năm vật lộn với sông nước, tiếp xúc với những xác chết bị phân huỷ, sức khoẻ của chị đã suy giảm nhiều. Chị đang lo không biết còn đủ sức bám vào sông nước để nuôi thằng Đạt học hành cho tới nơi tới chốn hay không? Đứa em tật nguyền sống với chị từ bé lấy ai chăm sóc trong khi những người em khác của chị cũng đang điêu đứng lo cho cuộc sống của gia đình mình?

 

Cả đời lênh đênh trên vạn đò, nay được lên  bờ, khát vọng xây được một căn nhà cho ra nhà càng thôi thúc chị. Nhưng nghề chài lưới mỗi ngày may ra được 30 ngàn, trừ đi hơn nửa chi phí xăng dầu, lấy đâu ra tiền để dựng nhà. Khi tôi hỏi về ước mơ, chị cười thật lớn và chỉ lên cái bàn trống tênh trước mặt: “Tui ước chi có một cái tivi, đen trắng cũng được, nếu có nghe đài thông báo tìm người thân, trẻ lạc thì còn biết chứ thi thoảng bắt gặp những cái xác trôi sông, đem chôn mà không biết thân phận thì tội lắm. Đúng rứa không?”

 

Nghèo vật chất nhưng giàu tình thương, cứ có ai cần tìm đến là gia đình chị lại giúp hết lòng, không màng tới được mất, chỉ mong làm thêm một điều tốt cho đời.

 

Phạm Phúc Hưng