1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những người phụ nữ nhặt rác “không thích làm giàu”

(Dân trí) - Sống ở nơi rất “khát” nhân công hái cà phê với tiền công từ 100 nghìn/ngày trở lên, những người phụ nữ như chị H’rú vẫn thích đi... nhặt rác, kiếm vài đồng bạc lẻ. Họ lý giải hồn nhiên: “Mình có phải người Kinh đâu mà làm giàu” (!)

Những người phụ nữ nhặt rác “không thích làm giàu” - 1

Chị H’rú có hàng ha đất vẫn thích đi nhặt nhạnh từng vụn sắt trong đống tro ven đường
 
Hàng ngày tại TP Pleiku, Gia Lai, chúng tôi bắt gặp hàng chục người phụ nữ lưng đeo gùi lang thang khắp ngõ ngách nhặt rác kiếm sống. Điều đặc biệt, họ là những người có hàng ha đất trồng trọt hoặc nếu không có đất cũng đang sống trong thời điểm Gia Lai đang rất “khát” nhân công hái cà phê với tiền công từ 100 nghìn/ngày trở lên.

 

Có vẻ ngoài của một phụ nữ hơn 40 tuổi, chị H’rú ở làng Nang, xã Ia Sao, huyện Iagrai, không biết mình đã sống được bao nhiêu năm. Những con số mà chị nhớ nhất là cách đây một năm chồng chị chết vì một khối u; chị có 3 đứa con nhưng không làm sao biết được đứa lớn nhất năm nay bao nhiêu tuổi, đứa nhỏ sinh năm nào.

 

Đất đai của gia đình chị cũng đủ để một gia đình nông dân canh tác thoát nghèo, nhưng chị không làm. Ruộng chị chỉ trồng một vụ lúa để có cơm ăn, còn lại hầu hết thời gian chị đều “đổ dồn” cho công việc đi bộ hàng chục km khắp TP Pleiku, đến từng bãi rác, canh từng đống tro để nhặt vụn sắt, chai nhựa... bán kiếm dăm ba nghìn.

 

Nghề này đã gắn bó với chị hơn 2 năm nay. Chị giải thích: “Một ngày mình chỉ bán được hơn mười nghìn thôi, mình đi bán lung tung kiếm tiền về nuôi cháu. Mình không biết tính cái năm, biết cái chữ, mình đẻ lung tung đâu biết tính. Mình là người đồng bào mà, làm cái gì mình thích thôi”.

 

Cũng như chị H’rú, từ khi biết đồ ve chai có thể bán được tiền  ngay, chỉ cần bỏ công đi nhặt trong một ngày, chứ không phải như trồng cây mì chờ cả năm, cây lúa chờ cả vụ mới có, bà Tơn ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh đã quyết định bỏ rẫy đi nhặt rác kiếm tiền.

 

Bà cho biết, đất nhà bà số lượng bao nhiêu không biết, nhưng làm một vụ lúa là đủ cho 8 người trong gia đình bà ăn no cả năm; nếu trồng mì khi thu hoạch bán cũng thừa tiền mua chiếc xe máy. Nhặt rác chỉ kiếm được vài nghìn hoặc nhiều lắm cũng chỉ 20 nghìn/ngày, nhưng bà vẫn thích vì… có tiền ngay.
 
Những người phụ nữ nhặt rác “không thích làm giàu” - 2
Kiên quyết không đi xin lòng thương hại của người khác

 

Hỏi nếu không thích đi làm rẫy, sao không đi hái cà phê thuê hay cạo mủ cao su thuê, mỗi tháng ít cũng phải được 2 triệu tiền công, gấp nhiều lần nhặt rác? bà Tơn không chần chừ trả lời: “Ơ mình là người đồng bào mà, mình có phải người Kinh đâu mà làm giàu. Mình chỉ làm cái gì mình thích thôi, mình làm đủ cái ăn thôi…”.

 

Những người phụ nữ nhặt rác này, họ có thể bị coi là “ngớ ngẩn” với cái suy nghĩ “mình là người đồng bào”. Tuy nhiên, dù không có trình độ văn hóa, dù không biết tính toán làm giàu, nhưng họ biết kiếm tiền bằng chính sức lao động của bản thân, không dựa dẫm hay làm điều phi pháp; không tham lam, không hại người.

 

Tận mắt chứng kiến cảnh chị H’rú kiên quyết từ chối nhận tiền từ một ông già tốt bụng, chúng tôi thầm khâm phục “người đồng bào” ấy. Người phụ nữ nhặt rác mất chồng, một mình nuôi ba con kiên quyết từ chối: “Mình không lấy đâu, mình cũng đang đi kiếm tiền mà. Ông già làm ông già ăn, mình làm mình ăn, mình sợ lắm, mình không lấy tiền của người khác đâu, mình muốn có tiền thì mình phải làm chứ”.

 

Thiên Thư