1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những người lo "hạ sốt" cho Trái Đất

Là một trong 195 nước tham gia đàm phán, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP 21. Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề tại Viet Nam Pavilion (khu triển lãm Việt Nam), thu hút hơn 2.000 lượt đại biểu tham quan, gặp gỡ.

Bạn bè quốc tế tới thăm Viet Nam Pavilion tại Hội nghị COP 21 ở Paris
Bạn bè quốc tế tới thăm Viet Nam Pavilion tại Hội nghị COP 21 ở Paris

Lo ngại bị hủy vì khủng bố

Nhớ lại những ngày tham gia đàm phán tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP 21, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kéo dài suốt đêm ở giai đoạn nước rút, 195 nước tham dự đã chính thức thông qua Thỏa thuận Paris”.

Tại thời khắc cuối cùng trước khi thỏa thuận được thông qua, Chủ tịch COP 21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đề nghị hội nghị cho ý kiến và thông qua thỏa thuận. Nhận thấy không có sự phản đối của đại diện các nước, Chủ tịch COP 21 gõ chiếc búa nhỏ, chính thức tuyên bố: “Thỏa thuận COP 21 được thông qua”. Cả hội trường vang dội tiếng reo mừng, tiếng vỗ tay kéo dài.

“Thỏa thuận là bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc trong suốt hơn 2 thập kỷ qua nhằm thuyết phục các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc gia tăng nhiệt độ của Trái Đất. Về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức tăng nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và cố gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C”, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam khẳng định.

Một điểm đáng chú ý là các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dẫn đầu Đoàn Việt Nam dự hội nghị và phát biểu tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng cũng tuyên bố, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020...

Nói về những diễn biến trước thềm hội nghị, một thành viên trong đoàn đàm phán cho biết, vụ tấn công khủng bố tại Thủ đô Paris diễn ra ngày 13-11, rất gần thời điểm diễn ra hội nghị nên dư luận quốc tế có lúc lo ngại hội nghị sẽ bị hoãn, thậm chí bị hủy. Tuy nhiên, Pháp cương quyết nói với thế giới rằng “cùng chung tay có thể giải quyết được vấn đề”.

Căn phòng 52m2 hội tụ 5 châu

Chia sẻ thêm về những hoạt động tại Hội nghị COP 21, Trưởng đoàn đàm phán cho biết, lần đầu tiên sau 20 kỳ họp COP, Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề tại Viet Nam Pavilion (gian hàng Việt Nam). Nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung đã được triển khai, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự COP 21.

“Các hoạt động diễn ra tại Viet Nam Pavilion gói gọn trong căn phòng hơn 50m2. Đại diện bạn bè 5 châu, trong đó có Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu Naoko Ishii đã đến, trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đại diện Việt Nam ngay tại căn phòng này”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bà Trần Thị Minh Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Pavilion lần này là ước mơ trong hơn 10 năm nay của đoàn đàm phán Việt Nam, kể từ khi nước ta có các đoàn chính thức cấp Bộ trưởng tham gia COP. Trước đây, mỗi lần đi qua Pavilion của các nước, chúng tôi thường ao ước bao giờ Việt Nam mới có một “chốn nho nhỏ” ở hội nghị quốc tế lớn như thế này để gặp gỡ, trao đổi với bạn bè quốc tế. Năm 2015, tại COP 21, điều mơ ước đó đã trở thành hiện thực”.

Là một trong những thành viên trực tiếp tham gia chuẩn bị cho Viet Nam Pavilion, bà Đoàn Thị Xuân Hương - Trưởng phòng Hợp tác đa phương - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Công tác chuẩn bị cho Pavilion rất gấp rút. Đúng ra phải có hàng năm trời để chuẩn bị nhưng chúng tôi chỉ có 3 tháng nước rút”.

Lần đầu tiên tổ chức Pavilion, chưa có kinh nghiệm nên các thành viên tham gia công tác chuẩn bị phải vừa làm, vừa học hỏi tìm hiểu xem các nước làm như thế nào. Bên cạnh đó, một việc không kém phần quan trọng là vận động tài chính từ các đối tác quốc tế. Tất cả những việc này phải tiến hành cùng lúc.

“Sau khi đã vận động được tài chính, chúng tôi mới thuê địa điểm tại hội nghị. Dự tính ban đầu là thuê 100m2 nhưng vì quá đắt đỏ nên cuối cùng diện tích thuê giảm đi gần một nửa, chỉ còn 52m2. Có địa điểm rồi, lại phải tiếp tục vận động tài trợ để có thể thuê được trang thiết bị. Tổng kinh phí cho phần thuê địa điểm và thiết bị cơ bản đã lên tới 74.000 euro”, bà Đoàn Thị Xuân Hương nói.

Tiếp đó, các thành viên đã bắt tay vào xây dựng nội dung bao gồm các chuỗi sự kiện với 6 chủ đề chính và phần trang trí cho Pavilion. Trong quá trình chuẩn bị, đoàn đã nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng được khung chương trình. Nhiều thông tin đã được bổ sung và cuối cùng phần nội dung diễn ra tại Pavilion được nâng lên 11 chuỗi sự kiện. Đặc biệt, có 1 hội thảo về ứng phó với biến đổi khí hậu do Việt Nam phối hợp với ASEAN tổ chức.

Bà Đoàn Thị Xuân Hương chia sẻ thêm: “Khi nhận được thông tin Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự COP 21, sau đó là thông tin Việt Nam sẽ tổ chức đối thoại cấp cao do Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì với các đối tác quốc tế, chúng tôi dự kiến thuê riêng một phòng họp lớn để tổ chức đối thoại nhưng liên hệ mãi không được. Vì vậy, nhiệm vụ đề ra là tổ chức đối thoại ngay tại Pavilion của Việt Nam”.

Chuồn chuồn tre tặng bạn bè quốc tế

“Trưởng đoàn đàm phán - Thứ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra yêu cầu thiết kế Pavilion phải đẹp, trang trọng và mang đậm bản sắc Việt Nam. Thực hiện yêu cầu này, chúng tôi đã thuê một nhà thiết kế lên ý tưởng làm sao để khi tới Pavilion, mọi người có thể cảm nhận ngay được những nét đặc trưng, vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam nhưng cũng phải toát lên nội dung liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể nói Pavilion của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao mặc dù chỉ trưng bày trong 52m2”, bà Hương cho biết.

“Tổng khối lượng các thiết bị lên tới hơn 400kg đã được chúng tôi đưa ra sân bay Nội Bài và vận chuyển theo đường hàng không sang Paris. Ngoài ra, còn rất nhiều ấn phẩm, trong đó có ấn phẩm đặc biệt “Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” với tổng khối lượng lên tới hơn 100kg. Mặc dù khối lượng công việc rất nhiều nhưng chính thức làm công tác phục vụ cho Pavilion chỉ có 3 người và toàn là phụ nữ. Hàng ngày, chúng tôi phải làm việc liên tục từ sáng sớm đến tối mịt. Trong những ngày cuối cùng, các thành viên tham gia công tác chuẩn bị cho Pavilion của Việt Nam phải làm việc tới 3h sáng”.

Mặc dù vất vả nhưng bà Đoàn Thị Xuân Hương khẳng định: “Chúng tôi hết sức tự hào vì Thủ tướng rất hài lòng với Pavilion của Việt Nam. Thủ tướng cũng đã có 3 cuộc tiếp xúc song phương tại Pavilion của Việt Nam. Mọi năm, khi không có Pavilion, việc xin các phòng họp rất khó khăn, việc tiếp xúc trở nên bị động. Còn năm nay, Việt Nam có Pavilion để đón tiếp trang trọng bạn bè quốc tế, đồng thời giới thiệu được thông tin về Việt Nam. Thành công nữa là đoàn đã chuẩn bị những món quà đặc biệt dành cho các đối tác quốc tế. Chúng tôi đã mua tới 2.000 con chuồn chuồn tre dành tặng cho khách tới thăm và bạn bè quốc tế rất thích thú với món quà này”.

THeo Anh Tú
An ninh Thủ đô