Những người con Việt kiều rộn ràng về đón Tết quê hương
(Dân trí) - Khi đất trời đang chuyển dần sang thời khắc của năm mới Tân Mão cũng là lúc bà con Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới xốn xang hướng về đất mẹ. Họ về quê hương đón Tết trong tâm trạng thơi thới rộng ràng.
“Đón “Xuân quê hương” là điều thiêng liêng nhất với tôi”
Là 1 trong khoảng 1.000 khách mời về nước dự đêm hội “Xuân quê hương” đón mừng Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Hải Nam - Việt kiều Pháp - đã cố gắng thu vén công việc về nước trước cả chục ngày, để được một lần thảnh thơi tận hưởng tất cả những dư vị thiêng liêng của khí Xuân, Tết Việt.
Gặp anh Nguyễn Hải Nam tại một quán cà phê nhỏ trong lòng phố phường Hà Nội giữa tiết trời đã lắc rắc mưa Xuân, vẫn cảm nhận được sự xúc động ngập đầy đôi mắt người con đất Việt xa quê đã ở tuổi ngũ tuần. Anh chia sẻ lần này về đón Tết tại quê hương với anh có những kỷ niệm vô cùng đặc biệt, bởi đây là cái Tết sau tròn 20 năm, kể từ cái Tết đầu tiên anh được trở về đất nước.
“Vậy là đã 20 năm rồi, năm 1991, lần đầu tiên tôi được trở về Tổ quốc cũng vào đúng dịp Tết cổ truyền. Ngày ấy cuộc sống của người dân còn vất vả lắm. Đường phố vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng mới có điện ở những tuyến phố lớn. Vậy mà hôm nay, sau đúng 20 năm trên đất mẹ cũng dịp Xuân về, đất nước mình như thay day đổi thịt, một không khí náo nức, sôi động và thịnh vượng khắp nơi nơi khiến cho những đứa con xa Tổ quốc như chúng tôi trở về đứng trên một đường phố mà mừng rơi nước mắt” - anh Nam chia sẻ.
Anh Nguyễn Hải Nam - Việt kiều Pháp - đã về nước từ rất sớm để dự Xuân Quê hương và tết cổ truyền dân tộc. (Ảnh: Anh Thế)
Chắc chắn lịch sử của chúng ta vẫn còn ghi lại những tư liệu về quãng đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris quãng năm 1920, có thấp thoáng hình ảnh của một Việt kiều tên Tư Duyên (tức cụ Nguyễn Duyên) làm nghề sửa đồng hồ, rất thân thiết với Bác. Và cụ Tư Duyên ấy chính là ông ngoại của anh Nguyễn Hải Nam.
Anh Nam kể rằng: bố của anh là giáo sư ngành toán học. Năm 1979, do điều kiện ông ngoại sống tại Pháp đã tuổi cao sức yếu nên Chính phủ ta đã quyết định cho phép cả gia đình anh xuất ngoại sang Pháp sinh sống và chăm sóc cụ Tư Duyên. Là một thanh niên người Việt, không một mẩu tiếng Pháp dắt túi, gia đình lại có tới 7 anh chị em nên cuộc sống của anh Nam vô cùng khó khăn. Chàng trai Nguyễn Hải Nam khi ấy vừa lao động phổ thông kiếm tiền, vừa học để lấy bằng thạc sĩ kinh tế, tài chính tại trường Ecole Supériune danh tiếng.
Trở về Tổ quốc trong vai trò phụ trách chiến lược và phát triển hệ thống ngân hàng châu Á của Tập đoàn tài chính Sociéte générale, hiện anh Nguyễn Hải Nam còn là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp, là cầu nối cho hàng chục dự án xây dựng, nhiên liệu… đang thực hiện trên đất mẹ thân thương.
Anh Nam mở lòng chia sẻ: “Xa Tổ quốc nên chúng tôi có những xúc cảm đặc biệt khi nghĩ về đất mẹ. Hàng ngày, hàng giờ chúng tôi vẫn ngóng về quê hương. Sự thành công của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng XI vừa qua là niềm vui lớn với bà con kiều bào tại Pháp. Hôm nay, được đặt chân trên phố phường Hà Nội dự đêm “Xuân quê hương” chính là điều thiêng liêng nhất với mỗi người con đất Việt xa quê như tôi”.
“Lấy phần” chút tiết Xuân Hà Nội
Rời Việt Nam khi mới 7 tuổi, năm 1947, bà Nguyễn Bun Thìn có cả một thời thơ ấu lưu lạc với cuộc đời khôn nguôi hướng về Tổ quốc Việt Nam. Bố làm nghề cắt tóc dạo, mẹ bán hàng rong, cả gia đình bốn người cứ thế dắt díu nhau chạy giặc qua nước bạn Lào, sang nhiều tỉnh của Thái Lan để rồi định cư tại Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Chính vì phải liên tục theo cha mẹ mưu sinh từ tỉnh này qua tỉnh khác mà bà Thìn đã không được đi học. Thế nhưng, với khao khát đươc nói về viết tiếng mẹ đẻ, bà vẫn tranh thủ học từ bố mẹ và những người Việt biết chữ Việt tại Thái. Sau khi đã có một chút “lưng vốn” chữ Việt, sau một ngày lao động cực nhọc, đêm đêm, bà lại mở lớp dạy chữ cho những người Việt xa quê.
Bà Nguyễn Bun Thìn giữa phố phường Thủ đô Hà Nội ngày giáp Tết. (Ảnh: Anh Thế)
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà kể rằng: “Cuộc sống của người Việt ở Thái là vậy, dù vất vả, cực nhọc nhưng cũng luôn giữ lấy bản sắc của mình. Năm 1997, tức là sau đúng 50 năm, tôi mới trở về thăm Việt Nam được. Thế nhưng, bước chân đầu tiên đặt trên đất mẹ, một cảm xúc kỳ lạ ùa về mà tôi không sao diễn tả được mà chỉ gọi được thành lời hai tiếng ‘Đất Mẹ!” rồi bật khóc”.
Khi được hỏi về Tết cổ truyền của người Việt tại Thái, bà Thìn cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ đúng như cha ông ta chứ. Cũng bánh chưng, dưa hành, làm cơm tất niên tối ba mươi. Sáng mồng một đi chúc tết, thăm hỏi nhau và lì xì cho các cháu bé”.
Quốc Đô - Anh Thế