1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Tĩnh:

Những người cả ngày "soi" màn hình kiểm tra tình trạng xả thải ở Formosa

(Dân trí) - Từ sau sự cố môi trường nghiêm trọng của Formosa, có một nơi mà những cán bộ mắt luôn phải dõi theo những chiếc màn hình, cố gắng không để lọt bất cứ hình ảnh nào, dù là nhỏ nhất, về hoạt động xả thải tại các “điểm nóng” môi trường.

Chuyện về những người không dám rời xa những chiếc màn hình

Không dám rời mắt khỏi màn hình

Những người cả ngày soi màn hình kiểm tra tình trạng xả thải ở Formosa - Ảnh 2.

Căn phòng làm việc chính của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh)

Từ trước tới nay, môi trường luôn là một trong những vấn đề, yếu tố được các cấp ngành quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đặc biệt sau sự cố Formosa, vấn đề môi trường càng trở nên cấp thiết.

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh). Đó là một dãy nhà làm việc khá nhỏ và hơi cũ. Bên trong mỗi căn phòng là đủ các loại giấy tờ hồ sơ. Đặc biệt, tại căn phòng làm việc chính rộng chừng hơn 20m2 được đặt 6 chiếc màn hình lớn với hàng loạt dãy số cứ liên tiếp hiện ra.

Theo giới thiệu của anh Lê Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường, đó là căn phòng đặc biệt bởi tại căn phòng đó, nhất cử nhất động về các hoạt động xả thải tại những khu công nghiệp, nhà máy được lắp đặt máy camera đều được các cán bộ nơi đây kiểm soát.

“Có 4 trạm đó là trạm xả thải của Formosa, trạm bia Sài Gòn Hà Tĩnh, trạm nhiệt điện Vũng Áng – khí thải 1 và trạm nhiệt điện Vũng Áng- khí thải 2 với hàng chục điểm gắn camera. Tất cả được kết nối phần mềm với các máy tính, điện thoại và các chỉ số về môi trường tại các trạm này sẽ được gửi về liên tục”, anh Đức cho biết.

Cũng chính vì tính đặc thù và tầm quan trọng của công việc này nên những cán bộ nơi đây phải túc trực 24/24h, không ai dám rời mắt khỏi màn hình.

“Cứ khoảng 5 phút là các dữ liệu về môi trường từ các trạm lại được truyền về luân phiên nhau. Khi có các chỉ số vượt mức thì ngay lập tức các hệ thống sẽ phát cảnh báo. Vì vậy mà chúng tôi nếu không quan sát được trực tiếp ở màn hình tại cơ quan thì có thể theo dõi qua điện thoại. Nên làm việc ở đây, ai cũng suốt ngày dán mắt vào màn hình, điện thoại”, vị Giám đốc Trung tâm nói vui về công việc của mình.

Từ sau sự cố môi trường biển, tại khu vực Formosa đã được lắp đặt các thiết bị lấy mẫu tự động và được kết nối với các phần mềm máy tính. Khi có cảnh báo, chỉ cần nhấn nút để thiết bị lấy mẫu tự động. Hễ có biến động, các cán bộ sẽ báo cáo ngay cho các ngành chức năng có phương án xử lý kịp thời.

Sẽ tiến hành lắp trạm quan trắc online

Những người cả ngày soi màn hình kiểm tra tình trạng xả thải ở Formosa - Ảnh 3.

Một trạm quan sát tại khu vực Formosa Hà Tĩnh

Anh Lê Anh Đức cho biết, ngoài những vị trí bắt buộc phải đặt trạm quan trắc theo quy định thì trong năm 2019, Hà Tĩnh sẽ tiến hành lắp đặt thêm 11 trạm quan trắc online (tự động). Trong đó có 4 trạm quan trắc môi trường biển sẽ lắp từ thị xã Kỳ Anh đến cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà), 5 trạm quan trắc môi trường không khí được lắp xung quanh Khu công nghiệp Formosa.

Theo anh Đức, việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động sẽ giúp việc đưa ra các cảnh báo sớm về hiện tượng môi trường ở các vùng đặt trạm. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng cũng như người dân được nắm bắt sớm, kịp thời để có các cách ứng phó nhằm giảm tối đa thiệt hại.

Và số liệu về các chỉ số môi trường sẽ được công khai giúp chính quyền cũng như người dân có thể nắm bắt cũng như giám sát.

Bên cạnh sự quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa của các cấp, các ngành đã đạt được nhiều kết quả thì công tác quan trắc, giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường của đơn vị này vẫn còn vô vàn khó khăn.

Theo vị Giám đốc Trung tâm, cái khó khăn nhất hiện nay là hạ tầng và trang thiết bị.

“Hạ tầng thì xuống cấp, trang thiết bị đang rất thiếu và yếu. Nó ảnh hưởng rất lớn đến công tác dự báo, cảnh báo. Nếu được trang bị thiết bị hiện đại, hạ tầng tốt thì chỉ cần quan trắc 1 lần là có thể đưa ra dự báo. Còn hiện tại, chúng tôi đang phải làm đi làm lại vài lần. Nói chung cần có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng cũng như thiết bị để phát huy tối đa, nhằm phục vụ công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn”, anh Đức chia sẻ.

Xuân Sinh - Hiệp Dũng