1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những ngôi nhà “kín cổng, cao tường”

(Dân trí) - “Chỉ có lấp cái đầm này thì dân chúng tôi họa chăng mới hết khổ thôi” - một phụ nữ khoảng 45-50 tuổi vừa lắc đầu, vừa mạnh tay đóng sầm cánh cửa chính. Không chỉ nhà chị, tất cả nhà dân ở Đầm Rong 2 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều luôn luôn “kín cổng, cao tường” như thế.

Từ nhiều năm nay, chỉ cần mở hé cửa, người dân ở đây sẽ phải hít vào lồng ngực một thứ không khí đặc quánh mùi hôi thối, xộc thẳng lên từ hồ Đầm Rong và con kênh dẫn dài vài km. Dân cư ở đây tuy đông đúc nhưng khung cảnh cả ngày hiu hắt vắng lặng. Vào giờ tan tầm nhộn nhịp một lúc, sau đó lại vẫn là những ngôi nhà đóng kín cửa.

 

Chị Hoa, chủ một quán may sát bên con kênh, than vãn: “Tui sống ở đây lâu rồi nên quen, chứ hôm trước nhà có mấy người bà con ngoài Huế vô chơi, mới ở lại 1 đêm thì chịu hết nổi, hôm sau về luôn”.

 

Hồ Đầm Rong 2 được Cộng hòa Pháp giúp đỡ xây dựng từ năm 1996, với mục đích xử lý nước thải của các khu dân cư đổ về. Vậy mà 11 năm qua, với tốc độ phát triển chóng mặt của các khu dân cư, chính hồ Đầm Rong 2 lại là nơi chứa nước thải, ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

 

Ông Trần Quốc Huy ở tổ 15 phường Thuận Phước cho biết: “Trước đây nước trong hồ trong xanh lắm và có nhiều loại cá sinh sống được. Nó chưa bị ô nhiễm do khu vực này còn ít dân và thường xuyên làm vệ sinh. Nhưng bây giờ dân ken dày như thế, cộng thêm công tác vệ sinh nạo vét lòng hồ để khơi thông dòng chảy không thường xuyên nên tình trạng hôi thối bắt đầu gia tăng”.

 

Chị Hồng, tổ 14, thì “kể tội”: “Nhiều người ban đêm rình cả phố ngủ say, đem xác súc vật chết quăng xuống hồ”. Hiện nay hồ Đầm Rong 2 đã biến thành một “quần thể” nước đen ngòm, sền sệt, hôi thối, chẳng biết thoát đi đâu.

 

Một cán bộ phường Thuận Phước cho biết: “Ủy ban cũng từng đề xuất lên cấp trên để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này, trong đó có đề xuất việc lấp hồ bằng bê tông, nhưng xem ra phương án đó cũng không khả thi vì sẽ mất không dưới 14 tỷ đồng. Có dạo, Trường Đại học Kyoto - Nhật Bản đi thực địa vấn đề ô nhiễm hồ Đầm Rong 2 và đã ký bản ghi nhớ với phường Thuận Phước về hỗ trợ khắc phục ô nhiễm hồ.

 

Nhưng theo chúng tôi biết, dự án trên  đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu cả. Vì vậy, trước mắt chính quyền cũng chỉ biết tích cực tuyên truyền, vận động người dân có nếp sống văn minh, lịch sự và thường xuyên làm vệ sinh quanh khu vực hồ”.

 

Bà Đỗ Thị Mỹ Liêm, trú tổ 14 phường Thuận Phước, tỏ vẻ băn khoăn: “Phường có đề xuất làm hầm rút trong nhà, nhưng chú xem, đa phần nhà bà con ở đây đều chật chội như vậy thì làm hầm rút ở đâu. Lấp hồ là nên nhất!”.

 

LTQ