Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi

(Dân trí) - Vất vả và hiểm nguy nhưng vì miếng cơm manh áo nên bà con vùng lũ cứ đến mùa nước nổi là lại lênh đênh trên những cánh đồng xa để nhổ bông súng, săn rắn hoặc trầm mình cả ngày dưới nước lấy đất thuê…

Nghề lấy đất thuê

Mùa nước nổi về, bà con vùng lũ An Giang, Đồng Tháp ngoài việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản còn kiếm sống bằng nghề chở đất thuê.
 
Anh Năm - xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, An Giang) cho biết: “Nước lên nhiều người thuê chở đất để lắp nền nhà hoặc chở đất cho các chủ lò gạch. Phương tiện làm nghề này chỉ cần một chiếc xuồng lườn và một cái leng là có thể đi lấy đất của người ta mà chẳng ai phiền hà câu nào. Có khi họ còn bo thêm tiền nếu như lấy đất đúng như ý của họ”.
 
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 1
Cả ngày trầm mình dưới nước nên những người làm nghề lấy đất thường bị nước ăn khắp cả mình. Nhiều nhất là ở kẽ tay, kẽ chân.
 
Tại cánh đồng của ông Nguyễn Văn Bi - xã Cần Đăng có đến 6-7 người ngụp lặn lấy đất. Lúc này, mực nước trên cánh đồng đã ngập sâu ngang cổ, các anh nhanh tay dùng leng hì hụp xắn lại từng thớ đất. Ôm từng khối đất nặng chịch chất lên xuồng rồi chở đến công đất lung (vùng đất trũng) đổ xuống.
 
Ông Bi giải thích, ông có 5 công đất ruộng (5.000m2) nhưng công đất ngoài cùng thì gò (mặt đất cao), công đất kế thì trũng nên khó canh nước. Bởi vậy, mùa nước này ông quyết tâm sửa lại mảnh ruộng cho bằng phẳng, dù tốn đến bạc triệu cũng phải làm.
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 2
Mỗi xuồng đất như thế này chỉ có giá 25.000 đồng
 
Anh Năm - người có thâm niên trên 10 năm trong nghề chở đất - nói, một ngày người nào chở giỏi lắm được khoảng 40 xuồng đất là hết sức; còn thường thì khoảng 30 - 35 xuồng đất. Nghề lấy đất đòi hỏi phải quen việc và có sức khỏe thì mới chịu được với cái lạnh thấu xương của buổi sáng sớm. Thông thường mỗi ngày các anh làm việc xuyên suốt từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa dưới nước. Do trầm mình lâu trong nước nên hầu hết những người hành nghề chở đất cũng bị nước ăn khắp mình, nhiều nhất là những kẽ tay, kẽ chân.

Nhổ bông súng vùng biên

Tại huyện An Phú, An Giang những xã giáp ranh với nước bạn Campuchia như Phú Hội, Phú Hữu,… bà con nơi đây ngoài việc sang những cánh đồng Campuchia giăng lưới, đặt dớn bắt cá còn có việc nhổ bông súng mang về bán cho các chợ đầu mối ở An Giang.

Như gia đình của chị Rết - ở xã Phú Hội, nhà có 4 người, chia ra làm hai nhóm mỗi nhóm đi một chiếc xuồng sang những cánh đồng trắng xóa bông súng ở nước bạn để nhổ bông súng. Thông thường, từ 4 giờ sáng gia đình chị Rết đã khởi hành và có mặt tại cánh đồng khoảng 5 giờ. Họ nhổ bông súng đến khi nào đầy cả hai xuồng thì mới về nhà.
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 3
Nhiều bà con vùng lũ sống khỏe nhờ nghề nhổ bông súng
Chị Rết cho biết: “Nhà tui đã làm nghề này hơn 10 năm nay rồi. Những năm lũ lớn như thế này thì cọng bông súng dài lắm. Nước lên tới đâu thì bông súng ngoi lên tới đó. Bông súng mọc tự nhiên, chẳng phân thuốc gì mà vẫn xanh rì. Bông súng chấm dưới mắm kho là hết ý luôn!”

Chị cho biết, với 2 xuồng bông súng của chị có thể chia thành 100 bó. Mỗi bó 10 cọng và với giá bán 2.000 - 3.000 đồng như hiện nay thì cả nhà cũng kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng.

Không riêng gì tại An Giang, nhiều bà con vùng lũ tại Đồng Tháp cũng “sống khỏe” nhờ nghề này. Như gia đình của anh Nguyễn Thanh Minh – Hồng Ngự, Đồng Tháp đã có thâm niên nghề nhổ bông súng ngót nghét 9 năm nay.
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 4
Do cọng bông súng dài nên người dân phải cuộn tròn lại như thế này
 
“Hễ mùa nước nổi về, cả nhà tui có 5 người, suốt ngày lênh đênh trên chiếc xuồng để đi nhổ bông súng. Hôm nào sang đồng Campuchia nhổ thì phải dùng vỏ lãi để đi. Một là để an toàn và đi lại cũng nhanh hơn. Vả lại, nếu mình về trễ buổi chợ thì bán mất giá lắm!” - anh Minh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tự do khai thác trên những cánh đồng nước bạn thì một số hộ dân ở An Giang, Đồng Tháp phải thuê đất (trong mùa nước nổi) của nông dân Campuchia để giăng câu, thả lưới hoặc nhổ bông súng. Đến khi nước rút họ đón đánh bắt đàn cá ra (cá theo nước ra khỏi đồng) xong thì trả lại đất cho bà con Campuchia cày cấy.

Săn rắn mùa nước nổi

Trong những nghề ăn theo mùa nước nổi thì nghề săn rắn là nguy hiểm nhất. Bởi thợ săn nếu sơ sảy bị rắn độc cắn sẽ chết ngay mà chẳng ai hay biết.

Khi nước ngập hết những cánh đồng, rắn tập trung lên những mô đất cao, tán cây nhiều vô số kể. Do đó mấy anh trai làng chỉ cần một cây chĩa, cái ná, súng chĩa,… và một chiếc xuồng là có thể “ra khơi” hành nghề.
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 5
Mạo hiểm săn rắn vào ban đêm
 
Như hai anh em của Sơn, ngụ xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) là người chuyên nghề săn bắt rắn mùa nước nổi. Bình quân mỗi ngày, hai anh em của Sơn đi khắp các tuyến đê bắt khoảng 3kg rắn các loại, mỗi ký bán cho bạn hàng từ 100.000 - 250.000 đồng/kg.

Anh Sơn cho biết: “Nghề này rất nguy hiểm, nhiều khi còn gặp rắn độc nên phải hết sức cẩn thận khi tiếp cận. Nếu sơ sảy bị loại rắn này cắn là vô phương cứu chữa. Vì thường người dân đi săn rắn hay đi một mình, lại giữa đồng nên chẳng ai hay biết khi mình gặp nạn”.

Ngoài ra, anh Sơn còn cho biết, tháng rồi anh bắn trúng con rắn lạ có nhiều khoanh màu trắng đỏ, không biết loại rắn gì mà nó phùng mang phun nọc độc còn hơn rắn hổ mang chúa. Trong lúc đó, anh chỉ biết dùng cây đập chết con rắn chứ không dám bắt sống.
Những nghề “ăn theo” mùa nước nổi - 6
Một con rắn hổ ngựa đã sa lưới
 
Nghề săn rắn có thể đi cả ban đêm. Vì thế cứ chiều tối là có cả chục chiếc xuống cui tập trung tại bến kênh Lò Gạch, xã Lương An Trà (Tri Tôn) để đi săn rắn. Trên mỗi chiếc xuồng có trang bị đủ đồ nghề, nào chĩa, ná, vợt, rọng,… Có xuồng dùng sào, có xuồng dùng máy để di chuyển đến những cánh đồng xa săn rắn.

Theo anh Sáu Nhí người có nhiều năm kinh nghiệm săn rắn cho biết, thông thường các thợ săn mỗi đêm cũng bắt được từ 3 – 4 kg rắn. Nhiều nhất là loại rắn lãi, rắn nước, hổ hành,... Với giá bán từ 100 - 250.000 đồng/kg thì anh em cũng kiếm được từ 300-600.000 mỗi đêm.

Cũng từ thu nhập hấp dẫn này mà nhiều trai làng nghèo, bất chấp hiểm nguy để mưu sinh trong mùa nước nổi.

Ngô Nguyễn