1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những ngày vui ở “xóm không chồng”

(Dân trí) - Muốn gặp các chị phải đến vào tối muộn vì ban ngày ai cũng tất tả với cuộc mưu sinh. Mặt trời tắt nắng, “xóm không chồng” (phường Hoà Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) mới rộn ràng tiếng nói cười, bất chấp việc 126 căn nhà ở đây tịnh không bóng dáng đàn ông.

Những ngày vui ở “xóm không chồng” - 1
Những chị em cùng cảnh ngộ chia sẻ buồn vui sau mỗi ngày mưu sinh.
 
Mỗi căn nhà một cảnh đời

 

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Hạnh ở số B4-15 trong “xóm không chồng”. Căn nhà cấp 4 nền xi măng, từ trước ra sau chỉ có bộ bàn ghế con con là đáng giá. Nhà có 4 người gồm chị, hai đứa con nhỏ (đứa lớn nhất mới học lớp 7) và một mẹ già tuổi đã ngoài 70.

 

“Nhà có đàn ông đó chứ nhưng đều ở trong di ảnh”, chị vừa nói vừa cười mà nghe lòng chòng chành. Chồng mất sớm khi đứa con nhỏ chưa tròn tuổi, một mình chị “tha” hai con nay đây mai đó hết mướn chỗ này lại thuê trọ chỗ nọ lo kiếm miếng ăn bằng chiếc xe đẩy bán hàng vặt rong khắp các ngả đường thành phố. Chị chắt chiu lắm mà vẫn thiếu trước nợ sau. Bây giờ đã có nơi ăn chốn ở ổn định ở xóm này, chị vui lắm.

 

Chị sẻ chia tâm sự: “Có chỗ ở ổn định như vậy đã mừng. Cái Tết đầu tiên mình có nhà. Theo cha mẹ rời quê vào thành phố kiếm sống, cứ chạy chỗ này chỗ kia. Lấy chồng, chồng cũng nghèo, bệnh không có tiền chữa thì mất. Chừ thì sáng sáng nấu cơm nước xong, yên tâm giao con cho bà ngoại rồi đẩy xe đi bán bánh. Tối về lại có chị em hàng xóm cùng chung cảnh ngộ, ai cũng không chồng, đơn thân nuôi con như mình dễ gần gũi với nhau”.

 

Thấy nhà hàng xóm có khách, chị Kim Yến ở nhà cạnh bên cũng lật đật sang chơi góp câu chuyện đời. Chị cũng nhà nghèo, cũng chồng mất sớm, “ai kêu chi làm nấy”, mỗi tháng kiếm vài trăm nghìn nuôi con, trả tiền trọ. Giờ có chỗ mà chui ra chui vào, chị mừng rơi nước mắt.

 

Cuộc đời mỗi người phụ nữ dưới những mái nhà mới ở xóm không chồng là những câu chuyện kể đầy nỗi nhọc nhằn. Hơn 100 ngôi nhà cấp 4 không xa hoa, cầu kỳ, nhưng là niềm hạnh phúc vô bờ của những người phụ nữ tảo tần, nhọc nhằn góa bụa nuôi con.

 

An cư rồi thì chuyên tâm lạc nghiệp

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, nhà B5-05, ôm đứa cháu ngoại chưa đầy một tuổi vào lòng thủ thỉ: “Mẹ thằng cu Tí đi bán bắp vẫn chưa về. Tôi ban ngày đi phụ bưng bê hàng bún, đến chiều về lại thay mẹ Tí giữ cháu cho con đạp xe xuống phố bán bắp. Từ ngày có chỗ ở ổn định.

 

Tiền nhà mỗi tháng chỉ 100.000 đồng, rẻ mấy lần đi thuê (từ cuối tháng 8/2008, Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo TP Đà Nẵng lần lượt bàn giao 126 căn nhà cấp 4 liền kề do Hội xây dựng và bố trí cho các hộ phụ nữ nghèo có chỗ ở ổn định. Mỗi hộ góp trả 100.000 đồng/tháng - PV), mình càng lo làm ăn hơn nữa vì tương lai cháu mình.

 

Hôm các chị ở đây bàn nhau vay vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo tính chuyện làm ăn ổn định hơn, nghe tới qui định vay vốn này dành cho các hộ có con học đại học mà buồn. Nói thiệt tình, ở đây làm chi có ai nuôi được con học tới đại học được. Cuộc sống phải chạy ăn từng ngày, tiền đâu đóng học phí cho con. Con gái tôi học chưa xong phố thông phải nghỉ học giữa chừng phụ mẹ. Rồi đời nó cũng như tôi, cũng nghèo vì học hành không đến nơi đến chốn được. Bây giờ hai mẹ con càng cật lực làm lụng mong cho cháu được nuôi nấng tử tế hơn và sau này được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định”.

 

Nói rồi, chị dẫn chúng tôi vào nhà xem điều khác hơn trong căn nhà của chị so với nhà bàn giao ban đầu là nền nhà đất đã được thay bằng những vuông gạch hoa sáng, mát mẻ hơn để “nhà không có giường, tối cháu nằm ngủ dưới nền nhà với bà với mẹ hay ban ngày nghịch chơi cũng không bị hơi đất dễ bệnh”.

 

Xóm chỉ toàn đàn bà và trẻ nhỏ, những ngôi nhà không có bóng dáng đàn ông, không có “cây tùng, cây bách” nhưng dưới những ngôi nhà mới, cuộc sống tảo tần đã bớt phần chật vật và thấp thoáng niềm vui.

 

Khánh Hiền

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm