Những mảnh đời nhọc nhằn
(Dân trí) - Giá thực phẩm tăng; giá điện, nước, nhà trọ cũng đồng loạt tăng theo; trong khi thu nhập ngày càng giảm. Những lao động nghèo từ quê lên bám trụ nơi thành phố kiếm kế sinh nhai chỉ còn cách giảm bớt khẩu phần ăn, tăng năng suất lao động mới mong dành được chút tiền gửi về quê.
Góp gạo nấu chung
Trời chạng vạng tối cũng là lúc những người “bán sức lao động” ở chợ đêm Đồng Xuân, Long Biên chuẩn bị bữa tối trước khi bước vào một đêm lao động cực nhọc. Căn “phòng trọ” chưa nổi 10m2, được ghép bằng những tấm cót ép mục nát trông giống như chiếc chuồng gà, là nơi ăn nghỉ sinh hoạt của 3 đôi vợ chồng. Phần nhô ra của mái prô chưa đầy 80cm là chỗ ngủ qua đêm của cụ già đã ngoài 70 tuổi. Mỗi đêm ngủ ở đây, cụ phải trả 3.000 đồng.
Chị Ngô Thị Hải, một trong những người thuê phòng, cho biết: Trước kia căn phòng này có giá 150.000đ, nay bỗng nhiên chủ nhà tăng lên 250.000, chưa kể tiền điện nước. Không riêng giá nhà mà mọi thứ thực phẩm đều tăng cao. Trước kia, vợ chồng chị ăn cơm bình dân ở đầu ngõ chỉ 5.000đ/suất là ổn. Giờ gọi suất cơm 10.000đ ăn cũng chẳng thấm vào đâu. Để tiết kiệm, các chị nghĩ ra cách góp gạo nấu cơm chung ngay tại nhà trọ.
“Nấu lấy ăn, chi phí cũng chẳng giảm được là bao nhưng được cái ăn no hơn. Mình là người lao động, có cơm no là tốt rồi! Bữa trưa không đi làm chỉ ăn rau với đậu phụ, bữa tối thêm mấy miếng thịt rọi kho mặn để lấy sức ban đêm đi làm. Thế mà tính ra mỗi bữa cũng phái 5.000đ một suất”, chị Hải tâm sự.
Những người ở xóm trọ này đa phầm là dân lao động tại chợ đầu mối Long Biên. Thường cứ hai vợ chồng sắm chiếc xe kéo (kẻ lôi, người đẩy), đêm đến ra chợ Long Biên chở hàng thuê, còn ban ngày thì ngủ. Lao động quần quật cả đêm nhưng không “căn” được cũng chỉ đủ tay làm hàm nhai.
Tiền sắm xe, tiền chạy biển số (xe kéo hàng phải có biển số mới được vào chợ), tiền nhà, điện, nước rồi tiền ăn uống,… Tất cả đều rủ nhau tăng giá đến chóng cả mặt.
Những phận nghèo
Lang thang ở xóm trọ nghèo, tôi biết thêm những cảnh đời lam lũ ẩn sau những khuôn mặt đen đủi, quê mùa. Mỗi ngày như mọi ngày, họ lầm lũi làm đủ mọi việc, từ bán hàng rong, dọn vệ sinh, mang vác gánh gồng đến nhặc rác, xin ăn - cóp nhặt từng đồng bạc lẻ từ lòng trắc ẩn của người đời.
Thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rách, vợ chồng chị Hải anh Hùng cũng chỉ mong mỗi tháng gửi về quê ít tiền cho con đóng học. Ở quê, cả gia đình gần chục nhân khẩu chỉ trông vào mấy rào ruộng. Ăn cũng chả đủ nói gì chuyện học hành. “Đời mình không được học hành đã khổ rồi, không muốn con cái sẽ theo nghiệp cha mẹ” - anh Hùng ngậm ngùi - “Càng ngày sức khoẻ càng yếu đi, nhiều lần kéo xe hàng lên dốc, gặp xe ôtô đi ngược chiều, nếu không kịp thời quay ngang, để xe tụt dốc đổ hàng thì cả tháng “kéo cày” cũng không đủ tiền đền”.
Trong xóm trọ, tôi gặp một gia đinh với ba thế hệ. Họ ở đây như hiện thân của mọi nỗi khổ cực nơi đô thị này. Ở cái tuổi gần đất xa trời, mắt mờ đục, nước da quắt queo, xạm hơn màu rác, cụ Nhẫn vẫn phải lê lết trên bãi rác để phụ con dâu nuôi đám cháu nhỏ còn nhớt mũi lòng thòng. Suốt từ sáng đến tối, cụ cắm mặt vào đống rác. Anh con trai duy nhất của cụ vừa bị công an bắt vì dính vào ma tuý tháng trước.
“Tôi như thế này còn “sướng” chán… Dù sao cũng còn có con cháu chứ như bà Bình mới khổ, đến quê mình ở đâu cũng chẳng nhớ, cả ngày đi lang thang xin ăn, tối lê lết về xóm trọ này ngủ qua đêm”, cụ Nhẫn vừa nói vừa chỉ tay về phía cụ già đang ngồi mải miết sắp lại những đồng bạc lẻ.
Cụ già ăn xin nhìn tôi, giọng buồn thăm thẳm: “Tôi già rồi, chỉ mong có “giấc ngủ dài” nhưng người ta bảo những người lang thang như tôi khó chết lắm!”.
Thái Bình