1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những “kỵ binh” bảo vệ khách VIP trên đường

Đó là các cán bộ, chiến sĩ trung đội môtô hộ tống thuộc Đại đội 3 Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an). Nhiều năm qua họ đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hàng nghìn đoàn nguyên thủ các nước, các đoàn ngoại giao đến Việt Nam.

1- Ở tầng một trụ sở Trung đoàn 375 có một căn phòng đặc biệt, bởi dù mùa đông hay mùa hè thì căn phòng này luôn phải bật điều hòa 24/24 giờ. Đó là kho để những chiếc môtô hộ tống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Tôi theo Trung tá Nguyễn Sỹ Nghi, Đại đội trưởng Đại đội 3, vào cái kho đặc biệt này, mấy chục chiếc xe để ngay ngắn theo hàng, chiếc nào cũng sạch bóng. Nghe tôi thắc mắc sao kho để xe thôi mà phải bật điều hòa quanh năm, Trung tá Nghi cười bảo: “Ở đây phòng ở của anh em còn chưa được lắp hết điều hòa nhiệt độ, nhưng kho môtô là phải bật điều hòa quanh năm, vì xe BMW có rất nhiều thiết bị điện tử, phải luôn được bảo quản trong môi trường khô ráo để các vi mạch không bị chập”.


Đội môtô hộ tống tham gia diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu BTL Cảnh vệ.

Đội môtô hộ tống tham gia diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Tư liệu BTL Cảnh vệ.

Trước năm 2006, môtô hộ tống là những chiếc xe Honda 650cc nhập khẩu từ Nhật Bản. Để chuẩn bị Hội nghị APEC năm 2006, cuối năm 2005, Bộ Công an nhập 35 chiếc môtô BMW R 1150 RT và R 850 RT (dòng xe được nhiều quốc gia sử dụng làm môtô hộ tống) về thay thế. Số xe ấy, 15 chiếc cấp cho đội tuần tra - dẫn đoàn của Công an TP. Hồ Chí Minh để làm nhiệm vụ ở phía Nam, còn 20 chiếc giao cho Trung đoàn 375 quản lý sử dụng, trong đó có một chiếc 1.150cc, còn lại 19 chiếc là loại 850cc. Khi có dàn xe này, trung đoàn giữ lại 8 chiếc Honda 650cc để huấn luyện chiến sĩ mới.

So với xe Honda 650cc thì những chú “ngựa sắt” BMW RT này quả là “hàng khủng” bởi ngoài dung tích từ 850cc tới 1.150cc, xe có kích thước rất hầm hố khi dài tới 2,23m, rộng gần 1m và nặng tới 495 kg, nhưng khi cần thiết nó có thể tăng tốc lên 150km/giờ trong thời gian cực ngắn.

2- Để được tuyển vào làm lính Cảnh vệ đã khó vì ngoài tư cách đạo đức, năng lực nghề nghiệp thì phần quan trọng là thể lực phải rất tốt. Nhưng vào đội môtô hộ tống thì ngoài tiêu chuẩn chung ấy, còn một điều kiện nữa là phải cao từ 1,75m trở lên, mặt mũi sáng láng và đủ cân nặng để đảm bảo đủ sức khỏe để lái những chiếc xe khủng này.

Sau khi được tuyển, các ứng viên sẽ phải học để lấy bằng A2. Có bằng rồi lại tiếp tục học tiếp các kỹ thuật điều khiển môtô hộ tống, và đây mới là phần khó vì phải qua hai giai đoạn: cơ bản và nâng cao. Thông thường chạy xe môtô thì có bằng A2 là đủ. Nhưng đấy là đi một mình một đường, còn khi đi trong đội hình thì lại không phải chuyện đơn giản. Bởi tùy theo cấp độ của yếu nhân cần bảo vệ, đoàn mô tô hộ tống sẽ có từ 4 đến 9 xe, thậm chí có thể lên tới 15 xe được tổ chức theo đội hình, dù chạy với tốc độ trên 100km/h hay 40km/h thì đội hình ấy cũng phải luôn duy trì. Vì vậy giai đoạn 1 này bài học chính là làm quen với xe, từ tay ga, tay côn tới phanh sao cho nhịp nhàng và luôn đảm bảo giữ đúng đội hình.

Qua được bước này mới lên bước nâng cao là làm chủ phương tiện trong mọi tình huống và mỗi người phải biết tự sửa chữa khi xe gặp sự cố ngay trên đường. Qua được bước này mới chính thức được biên chế vào đội môtô và được giao xe. Thông thường từ khi được tuyển đến khi tốt nghiệp được biên chế chính thức vào đội là khoảng 6-7 tháng; trong suốt thời gian ấy nếu ai không qua được các bài kiểm tra thì xin mời sang đơn vị khác.


Đoàn môtô hộ tống đón khách quốc tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Tư liệu BTL Cảnh vệ.

Đoàn môtô hộ tống đón khách quốc tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Tư liệu BTL Cảnh vệ.

Trung tá Phạm Quang Vinh, Đại đội phó Đại đội 3, người có thâm niên 30 năm ở đây, đã tham gia nhiều khóa huấn luyện lái xe môtô hộ tống, bảo rằng chưa có khóa nào tốt nghiệp đủ 100%, có khóa chỉ được 60%, khóa cao nhất thì được gần 90%. Vì thế, quân của đội môtô hộ tống đều là sĩ quan chứ không có chiến sĩ nghĩa vụ.

Được tuyển vào đội môtô đã khó, nhưng công việc của anh em ở trung đội môtô hộ tống lại không hề nhàn chút nào. Nếu chỉ nhìn bên ngoài thấy những người lính cảnh vệ lúc nào cũng tươm tất trong bộ lễ phục, lái những chiếc môtô khủng, hú còi đi bên cạnh đoàn xe ngoại giao thì tưởng là công việc nhàn nhã, nhưng thực tế đấy là công việc rất vất vả bởi ngoài việc giữ đội hình đẹp thì nhiệm vụ chính của họ là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân là Tổng thống, Chủ tịch nước, Vua, Nữ hoàng, Thủ tướng các nước đến Hà Nội, Đại sứ các nước trình Quốc thư.

Do đặc thù công việc nên mỗi khi có yếu nhân nước ngoài đến Hà Nội, lực lượng Cảnh vệ phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và thành phố Hà Nội để lên kế hoạch bảo vệ. Riêng lực lượng môtô hộ tống, kế hoạch bảo vệ từng đoàn phải được chỉ huy trung đoàn kí duyệt mới được xuất xe, khi đi làm nhiệm vụ một cán bộ chỉ huy đại đội 3 sẽ trực tiếp chỉ huy đội môtô.

Nhiệm vụ của môtô hộ tống là bảo vệ các yếu nhân từ khi họ bước xuống sân bay Nội Bài cho tới khi máy bay của họ cất cánh lên không phận để về nước hoặc vào TP. Hồ Chí Minh mới kết thúc. Thông thường lịch trình của các khách VIP này ngắn nhất là ở Hà Nội một ngày, nhiều nhất tới 5 ngày. Trong suốt thời gian ấy, mỗi người lính trong đội môtô hộ tống luôn hiểu rằng khi làm nhiệm vụ, nếu có tình huống bất trắc xảy ra, họ sẽ là những lá chắn tin cậy, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân.

Đơn giản nhất là nếu thời gian hoạt động của yếu nhân đúng vào giờ cao điểm thì ngoài tuyến đường đã định trước, sẽ phải có những phương án dự phòng để xử lý nếu tắc đường. Vì thế người chỉ huy luôn phải nhớ trong đầu từng tuyến đường, lộ trình, điểm dừng, điểm đón; sơ đồ đường đi vào, đường đi ra của từng trụ sở hội họp, làm việc, cơ quan, khách sạn…

3- Hôm tôi đến, Trung tá Nghi cho biết anh em chuẩn bị để buổi chiều hôm đó sẽ đi đón 2 đoàn khách là lãnh đạo Quốc hội Lào và Campuchia. Trong kế hoạch ấy, nhiệm vụ của từng xe được phân công chi tiết tới mức dù đi với tốc độ nào, có thể trên 100km trên đường cao tốc hay chỉ 40-50km khi đi trong phố, thậm chí có lúc tắc đường thì các xe vẫn phải đảm bảo khoảng cách bao nhiêu mét; bánh trước của môtô hộ tống luôn phải giữ khoảng cách với xe ôtô của trưởng đoàn như thế nào… và cả tình huống nếu một xe trong đoàn môtô bị sự cố thì phải thay đổi thế nào… nghĩa là mọi thứ đều chi li tới từng chi tiết.

Với các nguyên thủ, nhất là nguyên thủ các nước lớn, khi công du thế giới, ngoài lực lượng bảo vệ, họ sẽ mang luôn cả xe đi theo. Với những trường hợp này trong suốt hành trình bảo vệ luôn cần sự phối hợp ăn ý giữa đội môtô hộ tống và lái xe. Những lúc ấy luôn đòi hỏi người chỉ huy đội môtô và từng thành viên phải xử lý rất nhanh mọi tình huống phát sinh trên đường.

Trung tá Phạm Quang Vinh kể rằng có một kỷ niệm anh nhớ mãi, đó là tháng 11-2000, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam. Đây là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam sau 25 năm chiến tranh kết thúc vì vậy Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã lên phương án bảo vệ rất cụ thể, kỹ lưỡng. Phía Mỹ cũng đưa một lực lượng an ninh hùng hậu cùng các thiết bị, xe đặc chủng sang, trong đó có chiếc Calldilac One dành riêng cho Tổng thống.

Cán bộ Đại đội 3 Trung đoàn 375 kiểm tra xe trước khi đi làm nhiệm vụ.
Cán bộ Đại đội 3 Trung đoàn 375 kiểm tra xe trước khi đi làm nhiệm vụ.

Trước ngày Tổng thống Bill Clinton đến Hà Nội, lực lượng an ninh của họ mới đưa chiếc Calldilac One cùng lái xe riêng của tổng thống ra để cùng đội môtô hộ tống của trung đoàn 375 thực hiện tập dượt lần cuối trên chặng đường từ sân bay Nội Bài về khách sạn.

Mọi việc đều đúng với phương án. Nhưng hôm Tổng thống đến Hà Nội, khi đoàn xe đến đường Cầu Giấy thì bất ngờ có một quả bóng bay ra đường. Đúng lúc ấy anh Vinh đi đến, dù đang chạy xe môtô trong đoàn hộ tống nhưng theo phản xạ, anh Vinh đá quả bóng bay ra ngoài. Chỉ một chi tiết rất nhỏ ấy thôi nhưng khi về đến khách sạn, lái xe của Tổng thống Clinton đến bắt tay anh Vinh. Sau đó, trong suốt những ngày ở Việt Nam, dù Tổng thống Clinton đến nhiều điểm nhưng công việc bảo vệ vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Sau này, ông Bill Clinton và các tổng thống Mỹ khác còn vài lần nữa đến Việt Nam nhưng lực lượng an ninh của họ tỏ ra yên tâm hơn nên cũng không phải tập dượt nữa.

Có một cái khổ nữa của những người lính cảnh vệ lái môtô hộ tống mà không phải ai cũng biết. Thời tiết miền Bắc mùa hè có hôm nắng nóng tới 46-47 độ C; mùa đông có hôm xuống tới 5-6 độ C, chưa kể trời mưa gió. Nhưng dù trong thời tiết nào thì với các thành viên đội môtô hộ tống cũng luôn phải mặc lễ phục Thu - Đông; dù trời mưa cũng không được mặc áo mưa. Sau mỗi lần như vậy, có không ít chiến sĩ bị cảm và một vài thiết bị điện tử, xe bị trục trặc. Vì thế nếu không có sức khỏe sẽ không thể chịu được cảnh dầm mưa, dãi nắng.

Các đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam cũng không có một giờ cụ thể nào, có đoàn đến vào sáng sớm, có đoàn đến vào lúc nửa đêm. Theo quy định, lực lượng bảo vệ luôn phải đến trước 1 giờ, vì thế với anh em ở đội môtô chuyện đi làm nhưng chỉ có cái bánh mì chống đói là chuyện thường xuyên, vì có những vị nguyên thủ họ tới Hà Nội vào sáng sớm, sau đó lịch hoạt động kín luôn cả ngày, đến đêm họ về nước luôn hoặc lại bay vào TP. Hồ Chí Minh.

Với những ngày như thế, anh em đội môtô hộ tống luôn phải tranh thủ lúc họ vào làm việc hay thăm thú thì nhai bánh mì chống đói chứ không thể có thời gian đi ăn cái gì khác. Những ngày không có khách, anh em trong đội vẫn phải tập các phương án và tham gia tuần tra, bảo vệ mục tiêu tại khu Quảng trường Ba Đình và hướng dẫn khách vào Lăng viếng Bác. Riêng năm 2015, đội môtô hộ tống đã hộ tống và bảo vệ an toàn 9 đoàn Tổng thống, 5 đoàn Thủ tướng, 9 đoàn Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện các nước đến Hà Nội và 30 cuộc Đại sứ các nước trình Quốc thư.

Khó có thể kể hết công việc của những người làm công việc đặc biệt này. Nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân” nên mỗi khi lên xe làm nhiệm vụ, họ chỉ xác định một việc duy nhất: bảo vệ an toàn tuyệt đối cho những vị khách VIP, góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam an toàn, thân thiện.

Theo Nguyễn Thiêm

Công an Nhân dân