1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những kiểu xử lý kỷ luật lạ đời

Đuổi người lao động rồi mới ra quyết định kỷ luật. Lập biên bản xử lý kỷ luật không có mặt người lao động, không có đại diện Công đoàn. Mời cả những người không liên quan họp xét kỷ luật.

Khi người lao động vi phạm kỷ luật, việc xử lý là quyền của người sử dụng lao động căn cứ vào các quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, một số văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài đã có những kiểu xử lý kỷ luật không theo bất cứ quy định nào của pháp luật.

 

Một cho tất cả!

 

Văn phòng đại diện Công ty Phatanaphan (Thái Lan) do ông Surapong làm trưởng văn phòng đại diện. Chị Bùi Thị Chinh là người đã làm việc cho văn phòng đại diện từ khi mới thành lập với hợp đồng lao động ký từ năm 2001. Bất ngờ ngày 25/4/2005, khi chị Chinh đến làm việc thì thấy cửa văn phòng đã bị thay ổ khóa và chị bị ông Surapong đuổi ra khỏi văn phòng đại diện mà không hề nêu lý do. Sau đó chị đã nhiều lần liên lạc nhưng không thể vào được văn phòng, còn ông Surapong thì đã về Thái Lan.

 

Chỉ đến khi khởi kiện ra tòa, chị Chinh mới được tòa án thông báo là chị bị đuổi việc vì vi phạm kỷ luật và bị sa thải theo điểm a, khoản 1 điều 85 Bộ Luật Lao động (trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh...). Tòa án đã cho chị xem quyết định kỷ luật lập từ ngày 31/5/2005 (hơn 1 tháng sau khi chị bị đuổi việc), kèm theo là biên bản xử lý kỷ luật do ông Nguyễn Trung H.- người đại diện theo ủy quyền của ông Surapong - lập.

 

Điều đáng nói là biên bản họp xét kỷ luật nhưng chỉ có một mình ông H. hiện diện trong “vai” của tất cả các bên: người sử dụng lao động, người lao động và các thành viên khác! Sau đó, cũng chỉ có ông H. nhận xét và đề nghị mức kỷ luật là sa thải dù chẳng chứng minh được chị Chinh phạm lỗi gì.

 

Ai cũng có mặt, chỉ người lao động là không có...

 

Chị Lê Thị Diệu Hạnh, nhân viên văn phòng đại diện Công ty Amanda Foods, lại bị kỷ luật với hình thức “chấm dứt hợp đồng lao động”. Không biết được ai tham vấn mà văn phòng đại diện đã lập biên bản xử lý kỷ luật với sự hiện diện đầy đủ nhân sự, từ trưởng văn phòng đại diện, đến các nhân viên hành chính - kế toán, marketing, phụ trách bao bì và... cả nhân viên lái xe. Chỉ duy nhất chị Hạnh - người bị xử lý kỷ luật - không có mặt.

 

Sai phạm dẫn đến việc chị Hạnh bị kỷ luật theo văn phòng đại diện nhận định, là do nhận tiền của văn phòng đại diện đi mua vé máy bay nhưng không thanh toán cho nơi bán vé, làm ảnh hưởng đến uy tín văn phòng đại diện và nghỉ không báo cáo sau khi được cho nghỉ từ ngày 12/9 đến 18/9 để làm kiểm điểm. Đáng chú ý là trước khi xử lý kỷ luật chị Hạnh, văn phòng đại diện đã làm việc với... ba của chị Hạnh; trong đó, có nội dung là ba chị không muốn cho con mình làm việc tại văn phòng đại diện nữa(!)

 

Xử sai, phải bồi thường và xin lỗi

 

Trong cả hai trường hợp trên, khi xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động đã không chứng minh được lỗi của người lao động. Ở cả hai nơi đều không căn cứ nội quy lao động cũng như không phân công công việc cụ thể cho người lao động, nên xảy ra tranh chấp không thể xác định lỗi và mức độ vi phạm.

 

Thời gian qua, việc xử lý kỷ luật lao động của nhiều văn phòng đại diện rất tùy tiện. Theo các chuyên gia pháp luật lao động, nếu người sử dụng lao động xử lý kỷ luật sai, phải hủy quyết định kỷ luật trái pháp luật, bồi thường các khoản thiệt hại trong những ngày người lao động không được làm việc. Thực tế cho thấy các khoản bồi thường do sa thải trái luật rất lớn. Chưa kể, nếu có phán quyết của cơ quan chức năng về việc xử lý kỷ luật sai, người sử dụng lao động phải công khai xin lỗi người lao động.

 

Luật sư Nguyễn Đình Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM: Khi xử lý phải có mặt người lao động

 

Pháp luật lao động quy định, khi xử lý kỷ luật, phải có mặt người lao động và đại diện công đoàn cơ sở. Chỉ khi đã thông báo 3 lần bằng văn bản mà người lao động vẫn vắng mặt thì người sử dụng lao động mới được quyền xử lý kỷ luật vắng mặt và phải thông báo cho người lao động biết.

 

Ngoài ra, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động là người sử dụng lao động; người được ủy quyền chỉ được xử lý với hình thức khiển trách.

 

Luật gia Võ Văn Đời, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM: Chỉ có 3 hình thức kỷ luật

Theo điều 84 Bộ Luật Lao động, có 3 hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức và sa thải.

Việc xử lý kỷ luật với hình thức chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng quy định. Khi xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; sau đó mới căn cứ vào nội quy lao động để xử lý.

 

Theo Người Lao Động