1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Những khu tái định cư không ai... định cư

(Dân trí) - Dù được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng rất bài bản, nhưng nhiều năm nay, 2 khu tái định cư (TĐC) ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) vẫn bị bỏ hoang, rất lãng phí.

Tái định cư tiền tỷ bỏ hoang

Nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch vào địa phương, năm 2006 UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho xây dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (do Công ty TNHH MTV du lịch và khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư). Theo đó, tỉnh Bình Định đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu TĐC với tổng diện tích khoảng 26 ha tại xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) phục vụ tái định cư (TĐC) cho người dân ở xã Cát Hải bị ảnh hưởng bởi dự án trên. 2 khu TĐC này được xây dựng tương đối bài bản: có hệ thống điện, đường nội bộ, hệ thống cung cấp nước sạch, trường mẫu giáo, nhà văn hóa thôn…


Khu tái định cư 1 và 2 thuộc xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đầu tư hạ tầng cơ sở, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng bỏ hoang.

Khu tái định cư 1 và 2 thuộc xã Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đầu tư hạ tầng cơ sở, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng bỏ hoang.

Thế nhưng, một điều nghịch lý là đến nay, không có một hộ dân nào đến ở khu TĐC mới vì lý do nhà đầu tư không thi công dự án nên bỏ hoang cho cỏ, cây mọc. Trong khi đó, việc quản lý khu TĐC cũng lỏng lẻo nên một số người lấy nơi đây làm bãi rác, gây ô nhiễm môi trường.

Được biết, tháng 5/2015, UBND tỉnh Bình Định đã thu hồi Giấy phép đầu tư dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội.

Ông Nguyễn Mỹ (ở thôn Phú Hậu) cho biết: “Nhà nước thu hồi đất sản xuất để làm dự án thì người dân đồng ý, nhưng thu hồi rồi lại bỏ hoang vậy thì quá lãng phí. Toàn bộ khu đất bị thu hồi làm khu TĐC là ruộng đất phì nhiều, người dân trồng lúa rất tốt”.

Cũng tại xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), năm 2000, UBND xã này xây dựng khu TĐC xóm Mới với diện tích trên 8 ha để đưa khoảng 150 hộ dân trong vùng nguy cơ bị triều cường uy hiếp sống dọc biển Trung Lương đến đây an cư. Theo đó, người dân 3 xóm Chánh Đông, Chánh Nghĩa, Chánh Lương (thôn Trung Lương) sẽ được cấp 150 m2 đất ở và hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời. Thế nhưng 16 năm sau, chỉ khoảng 20 hộ dân trong vùng nguy hiểm chuyển vào khu TĐC này. Số hộ còn lại quyết bám trụ lại, mặc cho nguy cơ triều cường xâm thực luôn đe dọa khi mùa mưa bão đến.

Trường học, nhà văn hóa xây khang trang nhưng dân không đến ở khu TĐC mới vì dự án du lịch không triển khai.
Trường học, nhà văn hóa xây khang trang nhưng dân không đến ở khu TĐC mới vì dự án du lịch không triển khai.
Đường xuống cấp...
Đường xuống cấp...

“Biết sống ở đây nguy hiểm nhưng cũng quen rồi, hơn nữa vì không đủ tiền để xây nhà ở mới nên nhiều hộ phải ở tạm bợ mà chưa chịu dời vào khu TĐC. Mỗi khi nghe đài báo thông tin có bão lớn đổ bộ vào đất liền, người dân chúng tôi phải sơ tán người già, trẻ em đến ở nhờ các gia đình khác an toàn hơn, còn trai tráng ở lại giữ nhà…” - ông Nguyễn Văn Ba (64 tuổi, người dân thôn Trung Lương) nói.

Mỗi năm địa phương mất mấy chục tấn lúa

Trao đổi về việc dân địa phương không “mặn mà” với các khu TĐC, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến Nguyễn Chí Hoàng lý giải: “Đối với khu TĐC thôn Trung Lương là do người dân chủ quan, xem nhẹ sự nguy hiểm của triều cường. Hiện địa phương đang chấp nhận phương án để người dân sống hai nơi. Lý do, dân ở đây sống bằng nghề biển là chủ yếu, nếu thời tiết bình thường để họ sống ở đó thuận tiện cho làm ăn, còn mưa bão lớn thì vận động bà con lên nơi ở an toàn.

Tuy nhiên, về lâu dài địa phương sẽ vận động bà con lên khu TĐC mới đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Riêng với 2 khu TĐC 1 và 2, tuy không thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã Cát Tiến, nhưng chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên cùng ngành chức năng có biện pháp bảo vệ, quản lý rồi”.

Khu TĐC xóm Mới là nơi ở mới của 150 hộ dân nguy cơ bị triều cường đe dọa, nhưng sau 16 năm chỉ khoảng 20 di dời đến an cư.
Khu TĐC xóm Mới là nơi ở mới của 150 hộ dân nguy cơ bị triều cường đe dọa, nhưng sau 16 năm chỉ khoảng 20 di dời đến an cư.

Nói về việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu TĐC, ông Hoàng chia sẻ thêm: “Việc thu hồi 26 ha đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng các khu TĐC 1 và 2 phục vụ cho người dân bị ảnh hưởng dự án du lịch, nhưng qua nhiều năm không đưa vào khai thác, sử dụng thì đúng là lãng phí. Mỗi năm địa phương mất cả vài chục tấn lúa. Nếu tính bình quân, mỗi vụ lúa 1 ha đạt năng suất khoảng 65 tạ thì nhân với 26 ha là biết mỗi năm mất bao nhiêu lúa. Đó là chưa tính đến kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tiền tỉ rồi bỏ hoang để cỏ mọc, đường xuống cấp...”.

Người dân thôn Trung Lương không di dời đến khu TĐC mới vì xem nhẹ triều cường, phần vì không có tiền xây nhà ở nơi ở mới sẵn sàng đối diện với triều cường đe dọa.
Người dân thôn Trung Lương không di dời đến khu TĐC mới vì xem nhẹ triều cường, phần vì không có tiền xây nhà ở nơi ở mới sẵn sàng đối diện với triều cường đe dọa.

Trong khi đó, trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát (Bình Định) cho rằng 2 khu TĐC 1 và 2 nhằm phục vụ TĐC cho người dân 2 thôn Vĩnh Hội và Tân Thanh (xã Cát Hải) bị ảnh hưởng bởi dự án Khu du lịch, nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư chậm triển khai dự án, tiền giải phóng mặt bằng, thuê mặt bằng thì không chi… nên dân không thể di dời đến khu TĐC mới.

Việc khu TĐC bị bỏ hoang thuộc quyền quản lý của ban quản lý các khu kinh tế tỉnh.

“Huyện cũng rất đau đầu về dự án này. Tình trạng này, gây rất nhiều khó khăn cho quản lý và phát triển kinh tế của địa phương. Bây giờ người dân mua, bán nhà thì không được vì nằm trong diện quy hoạch, di dời, trong khi tiền di dời thì không trả cho dân. Các nhà đầu tư kiểu đó thì chỉ có làm mạt cho tỉnh này thôi…” - ông Phương nói.

Doãn Công