Quảng Ngãi:
Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình
(Dân trí) - Cứ đến tháng 3 âm lịch, những họ tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ tiền nhân đi mở cõi. Những mô hình thuyền nan và hình nhân thế mạng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đi hơn 400 năm trước.
Sáng 20/4 (ngày 16/3 âm lịch), tại đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ linh thiêng tri ân những người con đất đảo đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau khi kết thúc lễ tế ở đình làng là nghi thức thả thuyền ra biển. Có 5 mô hình thuyền nan đặt hình nhân thế mạng, linh vị và những vật dụng tượng trưng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đi từ hơn 400 năm trước.
Theo ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp để tri ân những bậc tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi, thể hiện tính nhân văn và đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" của cha ông", ông Ninh nói.
Quốc Triều