1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia Lai:

Những “hội nghị bàn tròn” đặc biệt giữa núi rừng

(Dân trí) - “Năm ngoái, gia đình thằng Nêl trời nắng nó cũng bón đạm cho ngô, mấy ngày sau chết hết cả rẫy; vì chưa biết bón thế nào. Năm nay rút kinh nghiệm, ai cũng biết rồi”, già Đép vừa dứt lời, gần 50 “cử tri” đều cười giòn giã…

Làng Kon Nak, xã Hà Đông, Đắk Đoa, Gia Lai có 140 hộ với 780 nhân khẩu. Đây là xã nằm “biệt lập” hoàn toàn với các xã khác, được núi rừng “ôm” gọn vào lòng như lòng đỏ của chiếc trứng gà. Chính vì vậy, nền kinh tế kỹ thuật hiện đại dường như vẫn còn khá xa lạ với những người Barhna nơi đây.

 

Và hậu quả là cái đói, cái nghèo luôn đeo bám người dân. Nhưng kể từ khi “hội nghị bàn tròn” xuất hiện thì cái đói của làng đã được đẩy lùi, cái nghèo đang từng bước bị đánh đuổi.

 

12 giờ trưa, chúng tôi hỏi thăm đến nhà già làng Đép, làng Kon Nak. Trong ngôi nhà sàn dài hơn 20m, gần 50 người đàn ông ngồi xung quanh nhà, mắt hướng về già Đép đang say sưa nói, góc nhà là chiếc nồi công dụng 50 lít và thùng mì tôm dành cho bữa trưa hôm nay.
 
Những “hội nghị bàn tròn” đặc biệt giữa núi rừng - 1

Già làng Đép đang trao đổi thắc mắc với người dân trong làng

 

Già Đép cho biết, trước đây, làng chỉ tập trung hội họp vào các ngày lễ, tết hoặc phạt vạ. Nhưng vài năm trở lại đây, làng có thêm một cuộc họp “đặc biệt” được tổ chức 2-3 tháng/lần. Cuộc họp “lạ” này có sự tham gia của các cán bộ trong thôn cùng chủ các gia đình. Chủ đề chính là cùng nhau trao đổi, phổ biến kiến thức cho người dân, vấn đề học sinh, con em trong làng bỏ học đi rẫy, chuyện an ninh trật tự trong làng…

 

Chính những cuộc họp này đã đưa làng Kon Nak từ 100% hộ nghèo xuống dưới 50% hộ. Trong năm nay, nhiều gia đình đã có hàng chục bì thóc trong nhà đủ ăn cho cả năm, con cháu đã có nhiều quần áo mới,… Có nhà sắm thêm được ti vi, xe máy, và năm 2010, điện thoại đã xuất hiện trong làng.

 

Nhớ lại vài năm về trước, người dân trong làng sống khá “tự nhiên”, mỗi năm trồng lúa một vụ chỉ đủ ăn trong vài tháng, không có tiền mua gạo, nhiều gia đình phải dắt díu nhau vào rừng đào củ mài ăn để chờ đến ngày thu hoạch lúa. Ấy vậy mà năm 2010, giá mì cao, lúa được mùa, nhiều gia đình mua ti vi, xe máy, sắm thêm cả điện thoại di động, cái đói đã bị tiêu diệt. Người dân trong làng vui mừng, họ thấy được tầm quan trọng của cuộc họp làng theo định kỳ tại nhà già Đep. Nghe theo cán bộ và già Đep, năm nay, tất cả những gia đình trong làng đều mở rộng diện tích đất, trồng mì kín cả một vùng.

 

Rồi chuyện nuôi con heo, trước đây heo không có chuồng cứ sống lang thang trong rẫy, lớn một chút thì bắt thịt vì chỉ đến mùa mưa, heo không có chỗ trú ngụ sẽ chết vì bị ngấm nước mưa. Hai năm nay, để nuôi được heo quanh năm, lớn thật to, bán kiếm tiền thì chủ nhân đã biết làm chuồng cho heo ở, lấy củ mì, bột ngô và thái chuối cho heo ăn chứ không phải ủi đất, ăn cỏ giống trước đây nữa.

 

Bò và dê cũng được người dân đưa vào chăn nuôi để phát triển kinh tế, như con heo, những con bò và dê cũng được chủ nhân làm chuồng trú nắng, trú mưa.

Quan trọng nhất đó là chuyện bón phân cho cây trồng. Trước đây, do không biết đến chuyện bón phân là gì, nên đất chỉ trồng lúa và mì được vài năm là bị bạc màu, chất dinh dưỡng cạn kiệt, người dân lại bỏ đám rẫy này để đi đốt rừng làm rẫy chỗ khác. Vì vậy, năm ngoái, cán bộ khuyến nông đã vào tận nơi giúp người dân biết cách chăm sóc mảnh đất của mình lâu dài, cây trồng sẽ năng suất hơn nhờ bón phân, nhổ cỏ. Nhưng người dân vẫn chưa biết phải bón khi thời tiết như thế nào.

 

Vừa được cán bộ phổ biến xong, gia đình anh Nêl liền vay tiền mua cả yến đạm về rải dưới gốc ngô và mì, trong khi thời tiết đang là mùa khô, hạn hán hoành hành. Hậu quả là cả rẫy ngô và mì đều bị chết xót.
 
Những “hội nghị bàn tròn” đặc biệt giữa núi rừng - 2
Tất cả các thành viên đều chăm chú ngồi nghe 
 

Lúc này cả làng mới rút được kinh nghiệm: “Năm trước, cả làng đâu có biết bón phân đâu, cứ tưởng mang rải xuống đất là được. Nhưng năm nay biết bón rồi, phải bón đúng thời kì, phải có nước và có mưa mới bón, bón để cho cây của mình trồng năng suất hơn, thu được nhiều tiền hơn. Bây giờ làng biết nhiều thứ lắm rồi, sắp thoát nghèo rồi”, già Đep tự hào.

 

Rồi cũng vì cái đói, nhiều con em trong làng đã phải bỏ học đi làm rẫy, nhưng bây giờ kinh tế đã khá hơn, họ nhận thức được đó là nhờ kiến thức từ cái chữ: “Chúng ta cần trồng lúa để no cái bụng, nhưng cũng cần cái chữ để cái đầu biết làm ăn”, già Đép giải thích. Vì thế, bây giờ trong làng không còn học sinh bỏ học theo cha mẹ lên rẫy nữa.

 

Để tăng khả năng trách nhiệm trong làng, dù không lương không thưởng gì nhưng có lẽ Kon Nak là nơi có nhiều cán bộ nhất trong các thôn làng ở Việt Nam với hơn 34 cán bộ được thôn bầu ra: 2 già làng, trưởng thôn, ban hòa giải của thôn với gần 30 người… Tất cả đều có trách nhiệm về sự phát triển của thôn.

 

Có được những thành quả tốt đẹp trên, và một tương lai tươi sáng đang đón chờ những người Barhna làng Kon Nak, đó chính là nhờ cuộc họp “đặc biệt”.

 

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm