1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những giấc ngủ bên hiên nhà

(Dân trí) - Họ là những mảnh đời tha hương, rời quê vào thành phố kiếm ăn, chấp nhận sống cuộc đời trôi dạt, bấp bênh và thiếu thốn. Ngày vất vả bươn chải mưu sinh; đêm đêm họ chờ khi những ngôi nhà khép cửa, tắt đèn, mượn hiên nhà làm nơi trải chiếu, bắt đầu giấc ngủ muộn, ngắn ngủi và bất an…

Những ngày này, Sài Gòn rất lạnh, càng về khuya trời càng rét. Dưới mái hiên nhà số 16 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, vợ chồng anh Tâm chị Thanh co ro ngủ ngon lành. Xe cộ vẫn ngược xuôi ngay bên cạnh, không xa “nhà” anh chị là một quán nhậu khuya náo nhiệt.

 

Tôi đánh thức anh dậy, nghe anh buồn buồn kể câu chuyện đời éo le. Quê anh ở Cà Mau, quanh năm suốt tháng hai vợ chồng chỉ biết dãi dầu với mảnh vườn, thửa ruộng, kiếm chẳng đủ ăn. Nhưng ông trời không thương, trong một lần bệnh nặng, chị Thanh đi khám và nhận tin sét đánh: chị đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Mọi nỗi khổ như càng nhọc nhằn hơn từ đó.

 

Khăn gói lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị một thời gian, anh chị khánh kiệt về tài chính. Ruộng vườn bán hết… Đến bây giờ, như anh nói: “Hết tiền rồi, chẳng ai thèm điều trị nữa, chừng nào chết thì hay”. Muốn về quê cũng không được vì chẳng còn đất để “cạp mà ăn”, anh chị đành ly lắt bám trụ thành phố.

 

Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cũ, anh chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, bươi móc trong những sọt rác tìm phế liệu, đắp đổi cuộc sống. Tiền kiếm được không đủ ăn, huống chi chuyện thuê nhà trọ. Tối đến, đợi những căn nhà bên đường đóng cửa ngủ, anh chị chọn một mái hiên tối, trải chiếu ôm nhau cho đỡ lạnh, vừa ngủ vừa chờ đến sáng. “Người Sài Gòn thức khuya lắm, muốn ngủ cũng quá 12 giờ đêm. Trời không mưa còn đỡ, mưa thì chỉ biết thức trắng, chờ mưa tạnh”, giọng anh buồn như sắp khóc.

 

Còn chuyện tắm giặt, vệ sinh cá nhân, anh chị vào chùa Quan Âm bên đường Hoa Phượng. Mơ ước của anh chị lúc này là kiếm được chút tiền về quê, “chứ ở đây khổ quá rồi!”. Anh bảo sức khỏe của chị Thanh giờ yếu lắm, cứ dãi nắng dầm mưa thế này hoài chịu không nổi. Suốt buổi nói chuyện giữa anh và tôi, chị nằm im, đến lúc chia tay mới yếu ớt nói: “Có chết tôi cũng về quê chết…”.

 

Chạy xe đến gần ngã tư Phú Nhuận, bên hiên nhà số 81 Phan Đăng Lưu, tôi bắt gặp một người đàn ông trung niên đang ngủ cạnh chiếc xe đạp đã được khóa cẩn thận. So với những giấc ngủ ngoài hiên khác, giấc ngủ của ông “sang” và ấm áp hơn nhờ tấm nệm. Người đàn ông này ban ngày bán vé số, có nhà cửa con cái ở thành phố, nhưng ông không về nhà vì bị con cái hắt hủi. “Thế này khỏe hơn!”, khi tôi sắp đi, ông nhìn tôi ngập ngừng: “Có tiền cho chú vài ngàn, đói quá!”.

 

Ngay đầu chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp), 8 mảnh đời đau khổ đang nằm chen nhau ngủ dưới một mái hiên hẹp. Họ đang tranh thủ chợp mắt vì 4 giờ đã phải thức dậy, nhường chỗ cho các tiểu thương buôn bán. Họ thuộc đủ mọi thành phần, từ bán vé số dạo, lượm phế liệu đến bán… máu. Tất cả đều chỉ mong trời sáng để bắt đầu một ngày mưu sinh.

 

Trong đám người chen chúc ấy, chỉ có anh Lê Văn Nhân là khó ngủ. Anh trằn trọc, rít mãi điếu thuốc, buồn bã: “Mấy hôm nay tôi định về quê mà chẳng có tiền!”. Cơn lũ miền Trung đã đẩy anh từ Đà Nẵng trôi dạt vào cái thành phố người đông, việc ít này. Cứ tưởng ở thành phố mọi việc sẽ dễ dàng, anh sẽ đi phụ hồ hay chạy bàn ở một quán ăn nào đó, bán sức lao động kiếm tiền gửi về quê nuôi mẹ già. Nhưng tiền không có, người thân cũng không, anh bơ vơ giữa một nơi xa lạ. Không ai thuê mướn, hàng ngày quảy bao tải đi lang thang nhặt phế liệu. Cuối ngày lại ngả lưng nơi mái hiên này.

 

“Tôi đã không có tiền lại còn phải thuê người ta giặt đồ, 4.000đ/kg, vì chẳng biết giặt ở đâu. May là mấy anh trong công viên Gia Định thương, cho tắm nhờ…”, anh rơm rớm, “Thế bế tắc thì đành phải chịu, chứ không biết làm sao. Tôi nhớ bà già ngoài đó quá, mấy tháng nay không liên lạc, không biết sống chết ra sao”. Hỏi anh sao không tìm vài người thuê nhà ở chung cho rẻ, anh tần ngần, mình lạ hoắc, ai tin mà dám ở chung. Câu chuyện buồn cứ bị đứt quãng bởi anh phải dừng lại đập muỗi…

 

Mái hiên này gần Bệnh viện 175 nên cũng có một vài người nằm đợi ở đây, chờ trời hửng sáng, để sang bán máu. Bệnh  viện 175 chỉ lấy máu vào 2 ngày đầu tuần nên vài người cũng phải tranh thủ. Anh Tư, khoảng 40 tuổi, mặt hốc hác, cho biết từ Tiền Giang lên đây, nằm ngay mái hiên này đợi tới giờ lấy máu sớm. Tiền bán máu chẳng được bao nhiêu nên anh chẳng dám thuê phòng trọ ngủ tạm một đêm.

 

Những đêm dài lạnh lẽo bên mái hiên không phải lúc nào cũng trôi qua trong bình yên. Người nghèo thường hay gặp cái eo. Chuyện ngủ lề đường, sáng thức dậy mất đôi dép, tiền bạc, đồ dùng… vẫn thường xảy ra. Anh Nhân than: “Tôi mất 3 đôi rồi đó. Bây giờ cứ gối xuống đầu ngủ là chắc ăn”. Anh kể cách đây một tháng, anh bị kẻ gian lấy sạch vài trăm ngàn dành dụm mãi mới được, mất luôn cả túi quần áo cũ.

 

Vợ chồng anh Tâm - chị Thanh cho biết, nhiều lúc đang ngủ bị tên bụi đời nào đó đến đánh thức xin tiền, không cho không được. Những mái hiên đôi khi lại là nơi “đánh võng” của một gã say hay một tay “quái xế”, thế nên nguy hiểm là rất thường tình. Nhiều hôm sáng ra ngủ quên, chủ nhà mở cửa mà vẫn còn nằm là nghe chửi “sướng tai”.

 

“Cũng phải thôi, mình ngủ hiên nhà người ta mà”, những mảnh đời bên mái hiên vẫn chép miệng, tự động viên nhau như thế.

 

Dương Cầm