1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những gánh buồn trên xe hàng rong

(Dân trí) - Họ là những phụ nữ nông thôn. Họ bắt đầu một ngày từ 2h sáng tại chợ rau quả Long Biên và kết thúc một ngày vào 9-10h tối. Tất cả họ đều chỉ có một ước mong giản dị: bán hết hàng sớm để được về ăn một bữa cơm với chồng con!

“Thân cò lặn lội bờ sông…”

 

Những xe rau, quả bán rong chẳng còn xa lạ với người Hà Nội. Họ có mặt ở khắp các con phố lớn, đứng chen nhau trong hầu hết các ngõ nhỏ, xếp hàng dài ở những ngách quanh co… Đội chiếc nón úp sụp, người phụ nữ gò lưng đẩy chiếc xe đạp cũ chất đầy rau, giữa trời nắng nóng, như một sự góp mặt không thể thiếu vào nhịp sống ồn ã, hối hả của phố xá ngày thường...

 

Những người phụ nữ ấy thường đến từ những tỉnh lân cận Hà Nội (Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh,...), một ngày dài của họ được tóm tắt bằng một cái tên ngắn gọn: đi chợ! Phương tiện hành nghề là chiếc xe đạp cà tàng buộc đôi sọt tre, sang hơn chút là đôi sọt sắt, đơn giản hơn là một giá gỗ buộc hờ sau xe.

 

Có người chọn một phố cố định để “lập nghiệp”, có người dắt xe rong ruổi khắp các tuyến phố để “thông thương”. Có người làm ăn độc lập, có người lại cùng với một số “đồng nghiệp” khác chỉ buôn một loại hoa quả trên một con phố để làm nên “thương hiệu” cho cả “tập đoàn”. 

 

Sinh nhai nhờ xe hàng rong, họ không ngờ rằng mình vô tình đã tạo nên cho Hà Nội một nét riêng mới. Người Hà Nội đến phố Nguyễn Chí Thanh hay Đào Duy Anh khi muốn mua mấy cân mít; đến phố Huỳnh Thúc Kháng khi nhớ món ổi găng thơm ngọt; rẽ vào Nguyễn Thái Học khi thèm mận, đào; xuống đầu phố Trần Duy Hưng cuối chiều để chọn dưa ngon...

 

Người Hà Thành ăn món quả ngon như một lẽ tất nhiên, sáng thức dậy là thấy. Không mấy ai để ý, đằng sau mỗi gánh hàng rong ấy là những cuộc đời, những số phận long đong, nhọc nhằn, dãi dầu mưa nắng, nặng nỗi mưu sinh...

 

Những gánh buồn trên xe hàng rong  - 1
 

Bữa tối đạm bạc.

 

“Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

 

Chị Nguyễn Thị Thủy cũng giống như bao người phụ nữ bán hàng hoa quả rong khác. Quần áo cũ nhàu, gương mặt sạm nắng, mái tóc rối cặp sơ, tỉ mẩn ngồi xếp từng trái đào, thở dài vì ế ẩm. Ngày nào chị Thủy cũng “đóng đô” tại ngõ 110 phố Trần Duy Hưng cùng khoảng 10 “đồng nghiệp” khác. 

 

Gia đình chị Thủy ở Vân Đình (Hà Tây). Hai vợ chồng chị trước làm nông nhưng quanh năm không đủ ăn, không nuôi nổi hai con. Rồi chị hàng xóm nhà bên rủ chị lên Hà Nội bán hoa quả rong, thu nhập khá hơn ở nhà làm ruộng. Thế là chị Thủy bắt đầu nghề đi chợ.

 

Chị ra khỏi nhà lúc 1h sáng, lặng lẽ đạp xe gần 30 cây số đến chợ Long Biên mua hoa quả. 4h sáng, mua hàng xong, chị và mấy người bạn trải tạm tấm bao tải trên một hè phố nào đó, tranh thủ chợp mắt. 6h sáng, mỗi chị mỗi hướng tản đi, bắt đầu một ngày mới nhọc nhằn.

 

Ngày nắng cũng như ngày mưa, hôm nào chị Thủy cũng bán hàng đến 9h tối, rồi lại lặn lội đạp xe về nhà, trên chặng đường gần 30 cây số.

 

Vặn vẹo chiếc nón trong tay, chị cúi mặt, giọng thật nhỏ: “Lúc chị đi các cháu chưa ngủ dậy, lúc về thì chúng nó đã đi ngủ cả. Lâu lắm rồi chị không nói chuyện với các cháu. Lâu lắm rồi chả được ăn cơm với chồng con. Hiếm khi bán hết được hàng sớm lắm. Nghĩ nhiều khi cũng buồn lắm chứ, nhưng tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo cho con. Sang năm đứa lớn vào lớp sáu. Vợ chồng chị cố được cho cháu học đến lớp nào hay lớp ấy”.

 

Những gánh buồn trên xe hàng rong  - 2
 

Tranh thủ nghỉ hè cháu theo phụ mẹ bán hàng. Mong mẹ

kiếm được nhiều tiền, cháu mới được tiếp tục đi học.

 

Dường như sực nhớ nỗi lo, chị than: “Bên cạnh làng chị bây giờ, cánh thanh niên thất học choai choai nghiện nhiều quá. Năm vừa rồi, mười sáu đứa chết. Không cho cháu đi học được cũng lo lắm... Như chồng chị Tiệp bên kia, cũng vừa chết vì sốc thuốc”.

 

Người phụ nữ tên Tiệp ấy, gầy, đen, đôi mắt thất thần. Chị cười nhạt: “Nghề chúng em vất vả lắm, có gì hay ho đâu chị. Ai làm cái nghề này cũng vì khổ quá, nghèo quá thôi. Chả có công ăn việc làm, chả có tiền, mới phải đi bán rong, ngày kiếm được 20-30 nghìn tiền lãi. Hai bữa cơm chỉ dám ăn một vì sợ tiêu mất vào tiền lãi, lại chả còn được là bao”.

 

Mặt chị rịn nước: “Mấy làng bên bây giờ hay bán ruộng. Có tiền chả biết làm gì, ruộng đã bán hết, vậy là bọn thanh niên choai choai sa vào nghiện ngập. Chồng em ngày xưa làm ruộng, rồi cũng định đi làm, nhưng em bảo ở nhà trông con, vậy mà chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, bị trai làng rủ rê cũng nghiện. Bây giờ ba mẹ con em chỉ còn biết trông chờ vào gánh hàng rong này. Cháu thứ hai em phải cai sữa sớm. Cháu lớn chắc nay mai cũng sẽ phải đi chợ thôi...”.

 

Những gánh buồn trên xe hàng rong  - 3
 

Mong gặp con trong giấc mơ vội.

 

Chị Tiệp khóc không thành tiếng. Tôi không dám cất lời. Người phụ nữ bán hàng bên cạnh giấu suất ăn tối vào vành nón. Một chị khác ngủ gục trên sọt hoa quả. Giọng ai đó đang than thở tiền thuê nhà tháng này lại tăng lên 15 ngàn/tối, giá mà nhà gần hơn khoảng 30 cây số, đạp xe đi về có phải đỡ hơn không!

 

Phố Hà Nội ồn ã và khang trang. Phố Hà Nội hiện đại và tấp nập. Thấp thoáng đâu đó trên phố Hà Nội những dáng người phụ nữ gày gò đẩy xe quả rong, nhẫn nại và lặng lẽ…

 

Hiền Hương