1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những đứa trẻ nghèo trong ngày Tết thiếu nhi

(Dân trí) - Trong cái nắng gay gắt giữa trưa hè, đi về những vùng quê nghèo, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 quần áo xộc xệch, mặt mũi lấm lem bươn chải với công việc đồng áng cùng cha mẹ.

Nếu như với trẻ em thành phố, ngoài giờ học các em được đi chơi, đi du lịch thì những đứa trẻ vùng quê nghèo lại dành thời gian để lăn lộn mưu sinh.

Gặp cậu bé Lương Văn Quân quê ở xã Hoằng Khánh- huyện Hoằng Hóa giữa cái nắng chói chang như đổ lửa một ngày tháng 5. Thế nhưng với đầu trần, chân đất, cậu vẫn dang tấm thân nhỏ bé ngoài trời nắng, chẳng thèm lau những giọt mồ hôi đang túa ra trên khuôn mặt, em cứ mải miết làm việc. Nhà Quân nghèo, bố mất từ khi em mới chưa đầy 1 tuổi. Bốn mẹ con em sống trong cái đói cái nghèo từ đó cho đến giờ. Vì thế tuổi thơ của em là những ngày lên núi nhặt củi và ra đồng cùng mẹ.

Giữa trưa nắng chang chang, em bé này vẫn đầu trần phơi rác giúp bố mẹ
Giữa trưa nắng chang chang, em bé này vẫn đầu trần phơi rác giúp bố mẹ

Năm nay cậu bé mới chỉ lên 10 tuổi thế nhưng em còn khoe đã theo mẹ ra đồng xách lúa từ năm 6 tuổi rồi. Em tâm sự: “Những ngày đi học thì một buổi đi học còn một buổi em đi chăn bò rồi móc cua, ngày mùa thì phải theo mẹ đi đẩy xe thồ, đi xách lúa. Bây giờ nghỉ hè thì phải đi cả ngày. Ở đây, bạn nào cũng phải đi làm như em hết”.

Những đứa trẻ xem việc phải lao động như vốn dĩ sinh ra phải thế
Những đứa trẻ xem việc phải lao động như vốn dĩ sinh ra phải thế

Cũng giống như Quân, Nguyễn Thị Mai cũng sinh ra từ vùng quê nghèo của xã Quảng Thành, bố cũng mất sớm, em phải làm tất cả những công việc mà mẹ vẫn làm như đi cấy, đi gặt, phơi lúa... Sau một ngày với một buổi đi học, một buổi đi làm thì buổi tối em lại cùng mẹ và em gái rong ruổi khắp các con đường để kiếm những chiếc vỏ chai, lon bia về bán lấy tiền đi học.

Bố mất sớm, từ khi lên 7 tuổi Mai đã phải làm tất cả những việc đồng áng cùng mẹ

Bố mất sớm, từ khi lên 7 tuổi Mai đã phải làm tất cả những việc đồng áng cùng mẹ

Ai cũng biết trẻ em là tương lai của đất nước, thế nhưng vì cuộc sống khốn khó, vì miếng cơm manh áo và vì con chữ, nhiều trẻ em ở những vùng quê nghèo vẫn sống một cuộc sống kham khổ và cơ cực.

Không giống như Quân và Mai, Lê Thị Nga quê ở Hà Trung vẫn còn cả bố và mẹ và dù bố mẹ em quanh năm lam lũ cái nghèo vẫn mãi quẩn quanh. Nghèo khổ nên bố mẹ cứ mải miết mưu sinh khiến từ khi em mới 5 tuổi đã biết theo mẹ ra đồng. Em kể: “Lần đầu tiên mẹ bảo em nhổ cỏ ngô còn mẹ đi tháo nước vào ruộng. Lúc đó cây ngô còn nhỏ em cứ nghĩ nó cũng là cỏ nên nhổ cả cỏ lẫn ngô mà không biết gì cả cho đến khi mẹ phát hiện thì em đã nhổ hết 2 luống ngô rồi”. Bây giờ cô bé đã 12 tuổi và đã làm thoăn thoắt công việc của người lớn.

Dù đã học lớp 6 nhưng Nga còi cọc nhỏ thó như đứa trẻ tiểu học vì em sớm vất vả
Dù đã học lớp 6 nhưng Nga còi cọc nhỏ thó như đứa trẻ tiểu học vì em sớm vất vả

Ở quê vào thời gian này đang là thời điểm mùa màng, cũng là lúc các em được nghỉ hè vì thế khắp các ngả đồng làng quê, đâu đâu cũng thấy hình ảnh những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường bì bõm dưới ruộng hay vắt vểu trên chiếc xe chở lúa sau một ngày lao động, trong đó có cả những đứa trẻ chỉ mới học lớp 1, lớp 2.

 Không những thế, ngay cả những ngã đường trên thành phố cũng thấy nhiều hơn bóng dáng những đứa trẻ nhem nhuốc, đen nhẻm, quần áo lếch thếch mang theo những hộp đánh giày hay hình ảnh những đứa trẻ rửa bát thuê trong các quán ăn giữa lòng thành phố rồi nhan nhản những gương mặt nhếch nhác xin ăn, những gương mặt lầm lũi trong đêm vắng... Nhiều lắm những hình ảnh trẻ quê giữa chợ đời. Chúng đều là những đứa trẻ đi ra từ mảnh đất quê nghèo lam lũ và cũng bởi để kiếm miếng cơm, manh áo hay con chữ đến trường.

“Có những buổi tối rao khản cổ vẫn không bán xong được số bánh mua vào, bụng đói meo mà cũng không dám ăn một chiếc” – Đó là tâm sự rơi nước mắt của Vũ Văn Huấn (quê Quảng Xương), cậu bé bán bánh bao dạo buổi tối. Năm nay Huấn mới chỉ mới 13 tuổi thôi nhưng em đã có 3 năm “trong nghề” rồi.

Những đứa trẻ nông thôn là vậy, lớn lên từ lấm lem bùn đất, cơ cực. Tuổi thơ của chúng hoặc là những buổi theo cha mẹ ra đồng hoặc là “quăng mình”, lăn lộn giữa chốn thị thành mưu sinh.
 
Trong khi đó, những đứa trẻ ở TP đang háo hức đón một ngày Tết thiếu nhi đầy đủ, vui tươi. Từ tối qua 31/5, các khu vui chơi, công viên ở TP Đà Nẵng đã đông hơn hẳn ngày thường. Các em nhỏ đều rất háo hứng với những trò chơi như: đi tàu điện, câu cá, vẽ tranh, đu quay, chơi nhà banh, nhà phao…

Nhiều em nhỏ được bố mẹ cho đi khu vui chơi nhân ngày Tết thiếu nhi
Nhiều em nhỏ được bố mẹ cho đi khu vui chơi nhân ngày Tết thiếu nhi

Dịp này Nhà thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động thu hút hàng trăm thiếu nhi tham gia như: Ngày hội vào hè cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Thiếu nhi Đà Nẵng chung vui cùng thế giới”; Hội thi giọng hát măng non và Nhịp điệu tuổi thơ, thiết kế đồ vật trang trí, thủ công quà lưu niệm… Hội nạn nhân chất độc da cam cũng đã tặng hàng trăm suất quà cho các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Cũng nhân dịp Tết thiếu nhi này, hàng nghìn em nhỏ TP Đà Nẵng cũng được xem xiếc miễn phí do đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn. (Khánh Hồng)

 

Nguyễn Thùy