Những dòng sông chết trong lòng thành phố Hà Nội
(Dân trí) - Những dòng sông không tôm cá, được coi như sông chết chảy trên địa bàn Hà Nội đang là nỗi nhức nhối về vấn đề môi trường và tiềm ẩn nhiều tiêu cực đến sức khỏe người dân.
Sông Đáy có chiều dài khoảng 240km là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Sông là dòng chảy chính của các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Nam Định, sông Vạc. Đây đều là những sông bị ô nhiễm nặng.
Khu vực gần với nội thành Hà Nội nước sông có màu đen kịt, bốc mùi nặng nề, gần như không có tôm cá. Năm 2007, công trình đưa nước từ Sông Hồng ở cống Cẩm Đình qua hệ thống kênh tiêu Cẩm Đình - Hiệp Thuận dài 12km với kỳ vọng làm sống lại dòng sông Đáy.
Trong ảnh là dòng sông Đáy đậm đặc rác thải tại địa phận xã Vân Côn (Hoài Đức). Cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước với mục tiêu làm "sống lại" các dòng sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt.
Những vườn rau bên cạnh dòng nước ô nhiễm nặng không tôm cá tại địa phận xã Vân Côn. Từ năm 1937 đến nay sông Đáy chỉ được phân lũ sông Hồng vào các năm 1940, 1945, 1969, 1971. Hiện nay, lòng sông Đáy trở nên hẹp và nông do bồi lắng, sông có bãi rộng và nhiều khu trũng có bụng chứa lớn, nên có khả năng điều tiết rất lớn.
Đoạn lòng sông tại địa phận phường Biên Giang (Hà Đông) lòng chảy bị thu lại rất hẹp.
Sông Đáy là một trong năm dòng sông dài nhất ở miền Bắc nước ta gồm: Sông Hồng; sông Đà, sông Lô; sông Cầu; sông Đáy.
Sông Nhuệ là một con sông nhỏ, thuộc phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76km, uốn lượn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 63km. Trong ảnh là sông Nhuệ đoạn địa phận xã Cự Khê (Thanh Oai).
Sông Nhuệ cũng là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ - Đáy chiếm rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại, hầu hết đều không được xử lý. Lượng nước thải do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nước thải y tế cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nước của hai con sông này.
Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó, 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào nhiều thời điểm, sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong 5 lưu vực sông ở miền Bắc. Rác thải đổ tràn ngập lấn lòng sông Nhuệ tại địa phận xã Hữu Hòa (Thanh Trì).
Vào những năm 1980 - 1990 sông Nhuệ vẫn còn người dân ra thả lưới, đánh cá..., thậm chí gánh nước về nấu ăn. Nhưng những năm gần đây, nước sông ngày càng ô nhiễm, tôm cá không sống nổi.
Sông Kim Ngưu dài chưa đến 10km chảy trong khu vực nội thành Hà Nội, đây là một dòng sông chết bởi nguồn nước ô nhiễm nặng.
Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nhưng này nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội. Trên suốt chiều dài dòng chảy có vô số các cửa cống xả thải trực tiếp không qua xử lí.
Sông Kim Ngưu đoạn chảy qua Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Nhà máy hiện đang thu gom và xử lý nước thải của khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một phần quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân qua sông Kim Ngưu và sông Sét.
Sông Tô Lịch là con sông nhỏ chảy trong nội thành Hà Nội, dòng chính chảy qua các quận: Đống Đa , Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Chiều dài sông chỉ 13,5km. Đây là sông được đánh giá là ô nhiễm nặng nhất của Hà Nội.
Sông Tô Lịch xưa vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, sau đó nhiều đoạn sông bị lấp dần. Sau đó sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Đến hiện tại nhiều đoạn đã được cống hóa.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm làm sạch dòng sông, nhưng đến hiện tại sông Tô Lịch vẫn là dòng sông chết. Theo thống kê mỗi ngày khoảng hơn 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý qua hơn 300 cống xả thải, xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch.
Qua các cửa xả này, sông Tô Lịch tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, bệnh viện… Ở giữa sông, rác nổi bề mặt dù vẫn được công nhân thu dọn hằng ngày; nước sông chảy lờ đờ, chứng minh lưu lượng tiêu thoát không hề cao.
Đã có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch. Ảnh chụp một cửa cống cỡ lớn dẫn nước thải ra sông Tô Lịch tại đoạn qua đường Nguyễn Khánh Toàn.
Tại điểm giáp ranh giữa xã Tả Thanh Oai và xã Hữu Hòa (Thanh Trì) sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ. Ảnh chụp toàn cảnh vị trí ngã 3 sông Tô Lịch hòa vào sông Nhuệ.