1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những cuộc thanh tra lớn được triển khai năm 2023

Thế Kha

(Dân trí) - Sẽ thanh tra chuyên đề việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký văn bản phát động phong trào thi đua năm 2023 với chủ đề "Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả".

Trong đó yêu cầu kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Công tác thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo tiến độ, chất lượng thanh tra. Việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo đúng quy định.

Những cuộc thanh tra lớn được triển khai năm 2023 - 1

Ông Đặng Công Huẩn - Phó tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Thanh tra).

"Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến: Như các dự án theo hình thức BOT, BT; dự án hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ", ông Đặng Công Huẩn nêu rõ.

Đồng thời, thanh tra phải thực hiện có hiệu quả các đoàn thanh tra theo Nghị quyết số 121/2022 của Chính phủ trong việc cấp phép, khai thác khoáng sản làm nguyên vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở theo Nghị quyết số 73/2019 của Chính phủ.

Thanh tra các dự án, công trình và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị theo Nghị quyết số 116/2019 của Chính phủ. Thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Đặc biệt là cuộc thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Toàn ngành phấn đấu hoàn thành 100% các cuộc thanh tra theo kế hoạch, các cuộc thanh tra diện rộng, thanh tra đột xuất được giao", ông Huẩn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%.

Chú ý kiểm tra, rà soát thực hiện hiệu quả Quy định số 11/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ảnh, kiến nghị của dân và giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 363 của Thanh tra Chính phủ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các ngành và các cơ quan thanh tra.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2022 chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực

Như Dân trí đã thông tin, năm 2022 toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 222.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 86.000 tỷ đồng, 8.777ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 26.600 tỷ đồng và 574ha đất, chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

Trên 54.000 cán bộ, công chức, viên chức đã được các cấp, ngành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Trong tổng số 430.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ báo cáo có 10.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Trong kỳ báo cáo đã có 39 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 36 người.

"Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện là 116 vụ việc, 153 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 41 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 50 vụ, 86 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 25 vụ, 45 người liên quan đến tham nhũng", Thanh tra Chính phủ thông tin.