1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những "cư dân Hoàng Sa" hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc

(Dân trí) - Tiếng máy nổ giòn, những con tàu mang theo cờ Tổ quốc tiến ra Hoàng Sa. Mặc cho Trung Quốc phi lý thông báo cấm đánh bắt cá, những kình ngư ở Quảng Ngãi vẫn làm chủ trong vùng biển, đảo chủ quyền của Tổ quốc.

"Ngon hết rồi, nổ máy thử xem", tiếng ngư dân Nguyễn Nở vừa dứt cũng là lúc con tàu rung lên trong tiếng máy nổ giòn. Tất cả đã xong. Ngày mai, con tàu QNg 95122TS, công suất 740 CV cùng 5 kình ngư Bình Châu (huyện Bình Sơn) sẽ hướng về vùng biển Hoàng Sa.

"Cấm biển à, có sợ không à? Sợ gì đâu, năm nào bên đó cũng cấm nhưng chúng tôi vẫn ra khơi", ngư dân Nở nói về lệnh cấm đánh bắt phi lý của Trung Quốc.

Những cư dân Hoàng Sa hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc - 1

Con tàu QNg 95122 TS cùng 5 kình ngư của đất Bình Châu đã sẵn sàng ra Hoàng Sa.

Mỗi chuyến ra khơi hành nghề lặn ở Hoàng Sa kéo dài ít nhất 1 tháng. Nhiều người gọi những ngư dân như anh Nở là "cư dân Hoàng Sa". Là bởi, thời gian lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc, có khi nhiều hơn thời gian ở đất liền.

Năm nào cũng vậy, vào thời gian này, Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam. Thế nhưng, đối với những "cư dân Hoàng Sa", lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc là vô nghĩa.

"Những ngư dân như mình quen rồi, nên không sợ. Mình cứ đánh bắt trong vùng biển của mình thôi. Ngoài đó có nhiều lực lượng bảo vệ ngư dân nữa mà. Ngày mai 5 anh em chúng tôi sẽ ra khơi, chuyến này dự định đi 1 tháng", anh Nở chia sẻ.

Những cư dân Hoàng Sa hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc - 2
Những ngư dân luôn thay mới cờ Tổ quốc trước mỗi chuyến biển ra Hoàng Sa.

Suốt 1 tháng lênh đênh trên sóng nước Hoàng Sa, con tàu của ngư dân Nở không hề đơn độc. Ngoài lực lượng chấp pháp, ở Hoàng Sa còn hàng trăm con tàu của ngư dân Việt Nam sát cánh bên nhau.

"Thời điểm này tàu của Trung Quốc thường tuần tra, tìm cách xua đuổi mình. Sợ thì không sợ vì ngoài đó có lực lượng bảo vệ ngư dân. Có điều anh em phải để ý vì đôi lúc họ làm bậy, tìm cách phá mình, không cho mình khai thác. Vậy nên ngoài đó mọi người rất đoàn kết để hỗ trợ nhau", ngư dân Võ Duy Lập nói và cho biết mình cũng là "cư dân Hoàng Sa" từ nhiều năm qua.

Những cư dân Hoàng Sa hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc - 3

Những "kình ngư" vươn khơi...

Xã Bình Châu là nơi có nhiều tàu cá từng bị Trung Quốc ngang ngược xua đuổi, cướp phá tài sản. Thế nhưng, ngư dân Bình Châu chưa bao giờ chùn bước. Họ vẫn hiên ngang ra khơi trên những con tàu ngày càng lớn hơn.

Những cư dân Hoàng Sa hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc - 4
Sản vật của biển đảo quê hương theo những chuyến tàu về cảng
Những cư dân Hoàng Sa hiên ngang vươn khơi cùng lá cờ Tổ quốc - 5

Ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, toàn xã có trên 200 trong tổng số 400 tàu cá có công suất lớn thường xuyên vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Với ngư dân Bình Châu, biển cả là nhà.

"Biển của mình, sản vật của đất nước mình nên mình cứ ra đó đánh bắt. Việc Trung Quốc cấm đánh bắt không có ý nghĩa với ngư dân mình. Từ nhiều năm qua anh em ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi. Biển của mình nên chẳng có gì phải sợ", ông Hùng nói chắc nịch.

Quốc Triều