1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những con số "biết nói" từ kết quả giám sát chống xâm hại trẻ em

(Dân trí) - Số vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đang gia tăng đột biến. Hơn 90% số vụ trẻ em bị xâm hại là từ người thân quen. Xử lý các vụ xâm hại trẻ cũng không dễ…

Đó là những vấn đề được nêu ra tại báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội. Bản báo cáo dài tới gần 60 trang được Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay, 27/5, để thảo luận.

1 ngày, 7 trẻ em bị xâm hại

Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về số lượng trẻ em bị xâm hại, thông tin từ Chính phủ cho thấy, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục.

Hậu quả khiến 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong); 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; 193 trẻ bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ bị thương tật…

Đoàn giám sát nhận thấy số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014.

Những con số biết nói từ kết quả giám sát chống xâm hại trẻ em - 1
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga là người theo đuổi vấn đề chống xâm hại trẻ em trong thời gian dài.

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

“Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước”, Đoàn giám sát nhận định.

Song Đoàn giám sát cũng thừa nhận số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Hơn 90% trẻ em bị xâm hại bởi người thân quen

Về đối tượng xâm hại trẻ em, báo cáo của Chính phủ cho thấy đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi… Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%.

Qua giám sát cho thấy, thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 97,29%; tỉnh Phú Thọ 97%; tỉnh Cà Mau 95,9% …

Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính…

Về địa bàn, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng. TPHCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước (TPHCM có 782 trẻ em; Hà Nội có 655 trẻ em bị xâm hại).

Đặc biệt, theo Đoàn giám sát của Quốc hội, môi trường giáo dục tưởng như an toàn song vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành; có trường hợp thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí đối với cả học sinh nam, như vụ ở Trường tiểu học – THCS Tam Lập, tỉnh Bình Dương có 13 trẻ bị xâm hại; vụ ở Trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có 9 trẻ bị xâm hại; vụ Hiệu trưởng trường THCS dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ xâm hại tình dục 9 học sinh nam trong thời gian dài…

Dẫn chứng số trẻ em bị xâm hại đang có xu hướng tăng, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019 số trẻ em bị xâm hại đã gần bằng 80% số trẻ em bị xâm hại cả năm 2018, Đoàn giám sát dự báo tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đòi hỏi người chứng kiến trẻ bị xâm hại mới xử lý được?

Những con số biết nói từ kết quả giám sát chống xâm hại trẻ em - 2

Các đại biểu bấm nút biểu quyết chọn chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2020 về việc phòng chống xâm hại trẻ em.

Về kết quả xử lý các vụ xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát cho biết có hơn 1.200 vụ được xử lý hành chính. Quá trình xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 1.158 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, nên đã chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Nhưng hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra là công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em trong một số vụ việc còn chưa kịp thời, chưa chính xác, bỏ lọt tội phạm…

Theo Đoàn giám sát, các vụ việc xâm hại trẻ em thường không có người làm chứng, nhưng do áp lực sợ oan sai nên nhiều vụ việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đòi hỏi phải có người chứng kiến trực tiếp là không phù hợp với thực tế, dẫn đến vụ việc kéo dài hoặc không khởi tố được.

Một số vụ việc khởi tố về tội nhẹ hơn tội đối tượng đã thực hiện gây bức xúc trong dư luận; một số vụ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Qua nghiên cứu một số vụ án, Đoàn giám sát kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét lại một số vụ án nhằm bảo đảm xử lý đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, gồm vụ Phạm Hoàng Tuấn xâm hại tình dục trẻ em ở Bắc Giang; vụ Nguyễn Văn Thanh bị tố cáo có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở Bắc Giang; vụ Phạm Văn Kỳ xâm hại tình dục con riêng của vợ ở Quảng Ninh.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại trẻ em cũng còn có những trường hợp chưa chặt chẽ, để kéo dài, thiếu chính xác; một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt, còn để xảy ra một số trường hợp Cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội danh nhẹ hơn tội bị can đã thực hiện mặc dù chứng cứ rõ ràng, song vẫn được Viện kiểm sát phê chuẩn gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình là vụ án Nguyễn Trọng Trình có hành vi hiếp dâm trẻ em xảy ra ở Hà Nội.

Vụ việc xảy ra vào ngày 24/2/2019, trên đường đi học về, cháu bé bị đối tượng lừa chở đến khu vực vườn chuối để thực hiện hành vi hiếp dâm. Khi cháu bé sợ hãi, la hét, chống cự thì đối tượng bịt miệng, bóp cổ, bẻ tay và thực hiện hành vi đồi bại với cháu. Thấy cháu khóc to, kêu đau, sợ bị lộ, đối tượng đã bỏ cháu tại hiện trường và lấy xe máy phóng về nhà.

Kết quả giám định, khám nghiệm hiện trường và kết quả lấy lời khai đủ cơ sở chứng minh đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm, song Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lại khởi tố và phê chuẩn quyết định khởi tố về tội nhẹ hơn là tội dâm ô. Ngay sau đó, các cơ quan tố tụng cấp trên đã vào cuộc, hủy bỏ quyết định khởi tố về tội dâm ô và ra quyết định khởi tố về tội hiếp dâm.

Phương Thảo