1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Những con người dung dị mà cao cả!

(Dân trí) - 114 “người con đất Sài thành” - 114 tấm gương dung dị mà cao cả - vừa được vinh danh tại chương trình “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”, do UBND TPHCM và UB MTTQ TPHCM tổ chức ngày 6/5.

Còn sức là còn làm việc có ích!

Gần trọn cuộc đời làm công việc vớt rác, túi ni lông, xác động vât… trên các dòng kênh của thành phố, bác Phạm Văn Tân, ngụ quận 11 được mọi người ví như một “chiến sĩ tình nguyện vì môi trường”. Khi được hỏi “Chừng nào bác dừng công việc vớt rác trên kênh?”, bác Tân chỉ cười: “Chừng nào còn sức là tui còn làm việc, vì nó là việc có ích! TPHCM với hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều dòng kênh đen ngòm đầy rác rưởi nhưng ai cũng e ngại vì sợ đụng vào lây bệnh, nhưng nếu tui không khơi, nước ngập kênh, tràn vào nhà thì số người bệnh sẽ nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - quận 9 - là người tiên phong mở lớp học tình thương cho 7 trẻ em lang thang, sau đó số trẻ tăng dần, đến nay đã hình thành nên trường tình thương Ái Linh đang nuôi dạy 150 em ở 8 lớp học, nhiều thầy cô ở các trường đại học, trung học phổ thông quanh vùng nghe tiếng cũng tới trường phụ dạy các em. Bây giờ nhiều em đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định.

Một nhân vật trong số 114 gương mặt được vinh danh tại buổi giao lưu (Ảnh: Ph.Thọ)
Một nhân vật trong số 114 gương mặt được vinh danh tại buổi giao lưu (Ảnh: Ph.Thọ)

“Làm việc tốt không cần giàu tiền, giàu bạc, chỉ cần mình có tâm, giàu tình cảm là được” - đó là tâm sự của anh Lê Văn Thái, thợ sửa xe đạp ở quận Tân Bình. Từ quê Quảng Ngãi vào TPHCM lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chữ nghĩa không có nên anh chọn nghề sửa xe đạp làm kế mưu sinh. Dù cuộc sống gia đình còn thiếu thốn nhưng khi nhìn thấy các em nhỏ, cũng nghèo như anh ngày xưa, đi học không có xe, anh rất thương cảm. Anh đã tìm mua những chiếc xe cũ, “chắp vá” chúng lại với nhau, sơn mới, dán tem… biến xe cũ thành xe mới tặng cho học sinh nghèo có phương tiện đến trường.

Còn nhiều, nhiều nữa những  con người Sài Gòn dung dị trong cuộc sống nhưng lại rất “cao cả” trong nhân cách và việc làm… Như ông Huỳnh Văn Liên, huyện Nhà Bè, đi đầu trong phong trào “Hiến đất làm đường giao thông nông thôn”, đã tặng gần 350m2 đất (trị giá 400 triệu đồng); như anh Nguyễn Huỳnh Ngọc Thiện, Phó Bí thư Chi đoàn ấp 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, tổ chức gom ve chai để lấy tiền trao học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn….

Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

“Bằng tấm lòng, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, qua các hoạt động xã hội từ thiện đã có nhiều tấm gương tiêu biểu, âm thầm lặng lẽ góp công, sức chăm lo cho đồng bào nghèo, khó khăn trong cuộc sống, đây là những hành động rất đáng trân trọng” - Bà Võ Thị Dung, Chủ tịch UBMTTQVN TP, xúc động chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân thì nhấn mạnh: “Những việc làm thầm lặng trong cuộc sống đời thường nhưng đã có sức thuyết phục, ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là những đóng góp âm thầm tự nguyện trong thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” cuộc vận động “vì người nghèo”, phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”, chương trình” xây dựng nông thôn mới” phong trào “ bảo vệ  môi trường bảo vệ an ninh tổ quốc”, nâng cao sức khỏe cộng động, khuyến học, khuyến tài. Tôi thật sự cảm động trước những tấm lòng nhân ái, đó là những bông hoa đẹp của vườn hoa thi đua TPHCM và xin tri ân đến tập thể cá nhân với những công việc thầm lặng mà cao cả cho TP trong những năm qua”.

Một nhân vật trong số 114 gương mặt được vinh danh tại buổi giao lưu (Ảnh: Ph.Thọ)
Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TPHCM - tặng bằng khen cho các tấm gương tiêu biểu tại buổi lễ vinh danh (Ảnh: Ph.Thọ)

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung phương thức tổ chức phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, cần chú trọng việc phát hiện những tập thể cá nhân có những thành tích thầm lặng tiêu biểu để đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời; qua đó tuyên truyền nhân rộng tạo sự lan tỏa rộng lớn trong các cấp, ngành đoàn thể và đời sống xã hội.

Việt Khuê - Phạm Thọ